QĐND - Ở đời, ai cũng muốn có một chữ
danh. Nội hàm chữ danh chứa đựng ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Không chỉ là nhu
cầu tự thân, khát vọng có một chữ danh chính đáng còn là động lực thúc đẩy con
người phấn đấu không ngừng tiến bộ.
Tuy nhiên, do không hiểu biết chữ danh
một cách thấu đáo mà không ít người đã có những suy nghĩ lệch lạc đến mức sa đà
vào con đường háo danh, ham chuộng địa vị một cách thái quá. Đây cũng là một
trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Hội nghị Trung ương 4
khóa XII của Đảng đã cảnh báo: Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện “háo
danh, phô trương... “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi”.
Vì
ham địa vị nên “lạm phát”… cán bộ
Không phải bây giờ, mà cách đây 90
năm, khi Bác Hồ viết tác phẩm nổi tiếng “Đường kách mệnh” (năm 1927), Người đã
chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có một tiêu chuẩn
là “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”. Cũng cách đây 70 năm, khi viết tác phẩm
“Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), trong bối cảnh chính quyền cách mạng nước
nhà còn non trẻ, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn muôn vàn khó khăn,
nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện, chỉ ra và cảnh báo những sai lầm,
khuyết điểm của cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Một trong những sai lầm, khuyết điểm
đó là mắc bệnh hiếu danh, bệnh ham danh địa vị, bệnh hình thức. Theo Bác Hồ,
những cán bộ, đảng viên mắc phải các căn bệnh này đều có chung đặc điểm như:
Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được
việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình;
tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng
làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác
thiết thực…
Sau
bảy thập niên suy ngẫm lại mới càng thấm thía những điều tiên lượng, cảnh báo
của Bác Hồ đến nay vẫn chưa hề mất tính thời sự, thậm chí những triệu chứng của
căn bệnh háo danh, ham chuộng địa vị trong những năm gần đây càng trở nên trầm
trọng hơn. Một trong những căn nguyên sâu xa dẫn đến thực trạng này là tư tưởng
phong kiến “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn còn chi phối nặng nề trong
tư tưởng một bộ phận khá đông cán bộ, đảng viên. Phần khác do tâm lý sĩ diện,
háo danh, rất nhiều người mong muốn có cái công danh, địa vị trong xã hội để dễ
bề ra oai, ra oách với thiên hạ!
Bên cạnh đó, những bất cập về cơ chế,
chính sách cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho mức độ háo danh
của một bộ phận cán bộ, đảng viên càng thêm nặng nề và dẫn tới tình trạng
"lạm phát"... cán bộ! Theo báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội,
việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà
nước giai đoạn 2011-2016 còn nhiều hạn chế; nhiều bộ, ngành tăng nhiều đầu mối,
tăng số lượng cấp phòng trong vụ dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa số người
giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức làm công việc tham mưu. Thống
kê tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy, nếu năm 2011 mới có 570 phòng thuộc
vụ, thì đến tháng 7-2016, đã có 692 phòng thuộc vụ, tăng 122 phòng. Năm 2011,
chỉ tính riêng tại các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, tỷ lệ công chức/cán bộ cấp phòng trở lên là 2,2/1, nhưng đến năm 2016, tỷ
lệ này còn mất cân đối hơn là 1,6/1, tức là 1,6 công chức thì có 1 người làm
quản lý. Cá biệt, có vụ có đến 3 hàm vụ trưởng, thậm chí có vụ có tới... 18 hàm
phó vụ trưởng!
Theo kết quả kiểm tra, thanh tra của
Bộ Nội vụ, từ năm 2011 đến tháng 9-2017, tình trạng “lạm phát” cán bộ xảy ra ở
nhiều cấp, nhiều nơi. Một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương
đương, số lượng phó phòng cấp huyện vượt quá quy định như tỉnh Hà Tĩnh có Văn
phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tỉnh Lai Châu
có Sở Công Thương... Từ năm 2016 đến nay, dư luận từng xôn xao nhiều ngành ở
địa phương “lạm phát” cán bộ bất bình thường như Sở Lao động, Thương binh và Xã
hội tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên...
Cũng chỉ vì bệnh háo danh mà nhiều
ngành, địa phương dù biết người được bổ nhiệm thiếu điều kiện, tiêu chuẩn
(trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại
ngữ…) nhưng vẫn bố trí vào chức danh lãnh đạo, quản lý. Đó là các tỉnh Đắc
Nông, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Gia Lai, Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ...
Do không siết chặt công tác quản lý
nhà nước về tổ chức biên chế, cộng với tâm lý dễ dãi, nể nang nên thời gian
qua, nhiều cơ quan, tổ chức tự ý đẻ ra nhiều đầu mối, nhiều cấp trung gian rồi
tranh thủ bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách tràn lan.
Tẩy
rửa bệnh háo danh, khắc phục những khe hở về cơ chế, chính sách
Ở đời, ai cũng muốn có một chữ danh.
Nội hàm chữ danh chứa đựng ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Không chỉ là nhu cầu tự
thân, khát vọng có một chữ “danh” chính đáng còn là động lực thúc đẩy con người
phấn đấu không ngừng tiến bộ.
Tuy nhiên, thời nay có những người
háo danh, ham địa vị đến mức khác thường. Ở mức độ nhẹ, họ khôn khéo lấy lòng
người khác, mua chuộc nhân tâm, ra sức ra luồn vào cúi, nịnh nọt, ton hót cấp
trên để mong được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn. Nặng hơn, có người dù ở đâu, lúc
nào cũng chỉ nghĩ đến cái ghế mà mình nhắm tới, bằng mọi cách để tiếp cận, leo
lên được vị trí ngon, thậm chí không ngại ngần sử dụng đủ thứ mánh khóe, chiêu
bài để chiếm đoạt được quyền cao chức trọng. Có người háo danh đến mức bất chấp
luân thường đạo lý, quên cả tình bằng hữu, chà đạp lên tình đồng chí, đồng
nghiệp, sẵn sàng biến đối tác thành đối thủ, hạ bệ người khác để đạt được tham
vọng cá nhân. Dân gian có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Cái danh
không bằng tài năng, đức độ, thực lực của bản thân tạo ra, mà càng phải mua đắt
bao nhiêu thì giá trị của nó càng bị coi thường, rẻ rúng bấy nhiêu!
Vì vậy, về góc độ cá nhân, chúng ta
phải có cách hành xử đúng mực về chữ danh chân chính. Điều đó đòi hỏi mỗi cán
bộ, đảng viên phải giữ gìn lòng tự trọng, biết tự thanh lọc tâm hồn và gột rửa
tâm lý háo danh, kèn cựa địa vị; đồng thời nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng chân
tài thực đức của mình. Suy nghĩ và hành động như vậy không chỉ vì sự tiến bộ
chân chính của bản thân, mà còn góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Về phương diện tổ chức, muốn ngăn
chặn được tình trạng háo danh, ham địa vị, một trong những việc làm cần kíp
hiện nay là các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc quán triệt và triển khai
thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng
“Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, phải thấu triệt nguyên
tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ
trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Kiên quyết thực hiện phương châm “3
giảm, 2 tinh”, tức là “giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó” và
“tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”. Thực hiện kiên quyết, triệt để "ba
giảm" này không chỉ trực tiếp giảm được biên chế, giảm phụ cấp cán bộ,
giảm chi thường xuyên, mà còn góp phần làm tăng thêm nguồn lực phát triển cho
quốc gia, tăng thêm niềm tin cho nhân dân vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các
cấp.
Người xưa có câu, không ai muốn lấy
đá tự ghè vào chân mình. Việc sắp xếp lại tổ chức, thu gọn đầu mối, tinh giản
biên chế là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến quyền lợi, danh phận
của cán bộ, công chức. Khi tiến hành công việc này ít nhiều gây ra xáo trộn
nhất định trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến tâm tư của người trong
cuộc, nhất là những người đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý phải chuyển sang
vị trí công chức hoặc làm việc ở chức danh thấp hơn. Nhưng vì mục tiêu chung
của sự nghiệp cách mạng, chúng ta không thể không làm đến nơi đến chốn vấn đề
này. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu còn để tồn tại một bộ máy cồng kềnh,
số người chỉ tay năm ngón nhiều hơn số người tham mưu, giúp việc sẽ dẫn đến
tình trạng quan liêu nặng nề hơn, bộ máy vận hành khó trơn tru, thông suốt,
công việc quản trị quốc gia khó thành công. Đây cũng là mầm mống làm nảy sinh
nhiều hệ lụy cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
THIỆN
VĂN
No comments:
Post a Comment