Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ
là gốc của mọi công việc”,“công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt
hay kém”, nên trong công tác cán bộ “phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ”; “phải
trọng nhân tài”.
Đánh giá và sử dụng cán bộ theo tư tưởng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ
tầm, đảm đương và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, vì Đảng, vì dân, theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ cần:
Một là, “phải
biết rõ cán bộ”, đánh giá đúng cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét
lại cán bộ, “một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người
hủ hóa cũng lòi ra” [1]. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái
hay của họ để khuyến khích, phát huy mà còn nhằm thấy cái dở để góp ý, để tìm
cách giúp đỡ họ sửa chữa, khắc phục. Khi đánh giá cán bộ, Bác yêu cầu những
người làm công tác cán bộ phải có quan điểm biện chứng, nhìn mọi sự vật, hiện
tượng đều không ngừng biến đổi. Đánh giá cán bộ cũng như vậy, “có người khi
trước theo cách mạng mà nay phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng
mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng
sau này có thể phản cách mạng” [2]; “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi
người không phải luôn giống nhau” [3]. Vì thế, khi xem xét, đánh giá cán bộ,
“quyết không nên chấp nhất” mà phải có cái nhìn toàn diện.
"Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta
phải cùng nhau giữ lấy nước"
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhận xét
cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi
sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà
phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán
bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ”. Có cái nhìn toàn diện
như vậy, ta mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan. Bác
nhắc, có không ít bệnh đã xuất hiện khi tiến hành đánh giá cán bộ, chẳng hạn
“tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với
người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người
khác nhau”. Đây là những căn bệnh làm cho người làm công tác cán bộ mắt
không còn sáng nữa, “mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt
thật của những cái mình trông”[4].
Để công tác đánh giá cán bộ được đúng
đắn và khách quan, thì những người làm công tác cán bộ, những người được tham
gia đánh giá cán bộ, khi đánh giá, xem xét cán bộ còn phải “tự biết mình”,
tức là biết được sự phải trái của mình, đã không tự biết mình thì khó mà biết
người. Vì theo Hồ Chí Minh “muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước
phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì
chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu” [5]. Phải biết, hiểu rõ cán bộ
để nhìn thấy và khơi dậy những điểm tốt, điểm mạnh cũng như nhận ra những điểm
yếu của cán bộ, qua đó đưa ra cách sử dụng cán bộ cho phù hợp với trình độ và
khả năng của họ.
Hai là, “phải
có gan cất nhắc cán bộ”, “cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ
động cho đồng chí khác thêm hăng hái”. Có gan đề bạt cất nhắc là không sợ người
được đề bạt cất nhắc sẽ vượt mình. Có gan không có nghĩa là làm nóng vội, làm
ẩu, làm liều, càng không vì danh lợi của mình mà cất nhắc cán bộ. Hồ Chí Minh
yêu cầu: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng
chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy”[6]. Tin tưởng trao
việc cho cán bộ, “thả cho họ làm”, “thả cho họ phụ trách”, không bao biện làm
thay. Có như vậy, họ mới phấn khởi, mạnh dạn, tin vào năng lực của mình, dám
làm dám chịu trách nhiệm, vượt qua khó khăn để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm
vụ.
Trong cất nhắc cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ
rõ “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà
gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng
bào”[7]. Đồng thời, trước khi cất nhắc cán bộ cần phải xem xét người được cất
nhắc một cách toàn diện, trên tất cả các mặt, Người căn dặn “chẳng những xem
công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét
cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời
nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà
còn phải xem xét họ đối vớ người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số
nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không”, không chỉ xem xét một việc của họ
làm, “mà phải xem xét công việc của họ từ trước đến nay”.
Khi cất nhắc cán bộ nên “chọn những
người liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến
lợi ích của quần chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán
bộ là người lãnh đạo của họ”[8]. Kiên quyết không chọn “những cán bộ chỉ thấy
lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của
toàn thể phục vụ lợi ích của bộ phận mình”[9] và trước khi cất nhắc cần phải
xem xét kỹ lưỡng, “cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”, nghĩa là trước
khi cất nhắc không xem xét kỹ, nên khi họ mắc sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ
khá lại cất nhắc lên, làm như thế, “một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như
thế là hỏng cả đời”[10].
Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đề ra những yêu cầu người lãnh đạo, quản lý không phạm chứng bệnh: “Ham
dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ là chắc chắn hơn người
ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính
trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính
tình không hợp với mình”[11], nếu làm như vậy, “kết quả những người kia sẽ làm
bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư
hỏng”, không “cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái”[12]. “Như thế, cố nhiên
là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”[13].
Ba là, “phải
khéo dùng cán bộ”, dùng người đúng chỗ, đúng việc. Hồ Chí Minh căn dặn, trong
công tác cán bộ phải “khéo dùng người”, hay nói cách khác là phải có nghệ thuật
dùng người, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, làm cho
cán bộ vui vẻ, thoải mái, yên tâm công tác và hăng hái thi đua cống hiến sức mình
cho sự nghiệp cách mạng. “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một
cơ thất bại”! Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết
trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài ví như “thợ rèn thì
bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng
túng”[14]. Người cho rằng phải biết chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân
tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài
theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như
“người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán
bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Để làm được
điều đó, Bác nhắc người lãnh đạo, quản lý cần thực hiện 5 Phải: “Phải có độ
lượng vĩ đại thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán
bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng
rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa; Phải có tính chịu khó
dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng
suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui
vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gũi mình”[15].
Bốn là, “phải
chống cục bộ, địa phương, hẹp hòi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tác hại của
bệnh hẹp hòi, địa phương cục bộ làm mất nhân tài, giảm lòng tin của nhân dân
vào Đảng. Theo Người, những bệnh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ
nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi… mà
biểu hiện đó là, “chỉ chăm chú đến lợi ích của địa phương mình mà không nghìn
đến lợi ích của toàn bộ”, “không bằng lòng để cấp trên điều động cán
bộ...”[16], còn có tư tưởng “Ai hẩu (hợp) với mình thì dù nói không đúng cũng
nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu (hợp) với mình thì dù có tài cũng
dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe”... Làm vậy sẽ “mất cán bộ, kém nhất
trí. Đó là chứng bênh rất nguy hiểm”. Người phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo
cánh”,“xu hướng cá nhân, bản vị, địa phương”[17] trong công tác cán bộ, Người
chỉ rõ, “có đồng chí còn giữ thói “một người làm nên cả họ được nhờ”, đem bà
con bằng hữu vào chức này việc kia, làm được, không được mặc kệ. Hỏng việc đã
có đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. Tệ này phát sinh
từ bệnh bè phái, ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng
cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau; ai không hợp với mình thì
người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha,
nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. “Thậm chí có nơi, có những đồng chí còn
giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Còn có đồng chí chỉ
lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư… dư luận chê bai thế nào cũng mặc”…
Những khuyết điểm này, theo Bác nó rất tai hại, nó làm Đảng mất nhân tài và
không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, làm mất
sự thân ái, đoàn kết đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ, mất niềm tin nên phải
chữa cho “tiệt nọc”.
Năm là, “yêu
thương, giúp đỡ cán bộ”, nhưng phải tránh “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”.
Theo Hồ Chí Minh, trong sử dụng thì phải yêu thương cán bộ, nhưng “yêu thương
cán bộ không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc”, thương yêu cán bộ “là giúp
họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh
hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm sóc, gia đình họ
khỏi khốn quẫn”. Thương yêu cán bộ còn là luôn chú ý đến công tác của họ, hễ
thấy có khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay. "Người đời ai cũng có
khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”. Đối với cán bộ mắc sai lầm, ta quyết
không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, khi họ sai lầm
thì dùng cách thuyết phục để giúp họ sửa chữa, phải có thái độ thân thiết, giúp
đỡ và động viên họ hăng hái tiến lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lỗi lầm có
việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở
đường cho bọn cố ý phá hoại”. Khi xử lý, “cần phải phân tích rõ ràng cái cớ sai
lầm, phải xem xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Vì
vậy, yêu thương giúp đỡ cán bộ là giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm, hạn
chế, phát huy những ưu điểm, nhưng đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật để
tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh
giá và sử dụng cán bộ
Từ ngày thành lập Đảng, nhất là khi thực
hiện đường lối đổi mới (12-1986) đến nay, Đảng ta luôn coi “cán bộ lãnh đạo các
cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc
cải cách có ý nghĩa cách mạng”[18]. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và
quản lý đội ngũ cán bộ và đã đề ra những định hướng lớn trong đánh giá, bố trí
và sử dụng cán bộ như: Đổi mới quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ, bảo đảm
thật sự dân chủ, với một quy trình chặt chẽ. Bố trí cán bộ: Phải từ lợi ích
chung của cách mạng, từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng mà lựa chọn cán
bộ một cách công minh. Chống tệ quan liêu, cửa quyền trong công tác lựa chọn,
bố trí cán bộ. Quy định phân công, phân cấp quản lý cán bộ, xác định quyền hạn,
trách nhiệm, các mối quan hệ giữa cơ quan Đảng và Nhà nước, ngành và địa
phương, cấp trên và cấp dưới, xác định quy trình lựa chọn, đánh giá, đề bạt,
điều động, làm cho việc quản lý cán bộ đi vào quy chế và nền nếp.
Trong những năm đổi mới, nhiều cấp ủy,
tổ chức đảng đã cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với từng đối tượng cán bộ, một số nơi
đã xây dựng được tiêu chuẩn chức danh cho cán bộ ngành, địa phương, đơn vị để
làm cơ sở đánh giá cán bộ. Một số nơi có cơ chế để nhân dân tham gia nhận xét,
đánh giá cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng nể nang. Phần lớn các tổ chức
cơ sở đảng đã thực hiện đúng công tác cán bộ theo phân cấp quản lý, tiến hành
bổ nhiệm, sử dụng cán bộ cho hệ thống tổ chức của mình theo đúng quan điểm của
Đảng, quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, đánh giá cán bộ là khâu khó
và yếu nhất. nhiều nơi trong đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh
đúng thực chất, đánh giá cán bộ ở nhiều nơi chưa lấy hiệu quả làm thước đo, còn
cám tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần
xây dựng. Công tác đánh giá cán bộ có lúc, có nơi làm chưa đúng, chưa sát, chưa
đầy đủ. Không ít tổ chức cơ sở đảng, nhận thức lệch lạc, thiếu công tâm, khách
quan trong công tác cán bộ. Quy trình, phương pháp đánh giá, quy hoạch, bố trí
sử dụng, luân chuyển chưa thật khoa học, dân chủ, công khai. Trong công tác bố
trí, sử dụng cán bộ còn có không ít hiện tượng “tranh thủ bổ nhiệm người thân,
người quen, người nhà hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Việc
luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương
thực hiện chưa đạt yêu cầu…
Từ thực tiễn trên, nhằm thực hiện tốt
công tác đánh giá, sử dụng cán bộ hiện nay, theo chúng tôi cần:
Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá
có tính định lượng, phải được cụ thể hóa cao. Đánh giá cán bộ phải dựa vào các
việc làm cụ thể của cán bộ, trách nhiệm của cán bộ ở từng công đoạn, giai đoạn
khác nhau, không đánh giá một cách chung chung. Việc lấy phiếu đánh giá cán bộ
theo hướng mở rộng đối tượng cần đánh giá và đối tượng tham gia đánh giá. Công
tâm, công bằng, công khai, dân chủ trong đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng
cán bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng cần chỉ đạo rà
soát, hoàn thiện và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực
thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu, trách
nhiệm đến đó.
Đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người
đứng đầu trong công tác bố trí và sử dụng cán bộ. Xây dựng quy trình công tác
cán bộ thật sự khoa học. Có chế tài quy trách nhiệm và xử lý những sai phạm đối
với người có thẩm quyền trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ.
Ban thường vụ cấp uỷ các cấp chỉ đạo rà
soát cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy
thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", không bảo đảm về
tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp,
nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các
cấp có nhiều dư luận. Cần nghiên cứu vận dụng nguyên tắc “hồi tỵ” trong cổ luật
của Việt Nam vào quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử.
ThS, PHẠM HỒNG
KIÊN
Giảng viên khoa Lịch Sử
Trường Đại học
Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương
--------------------------------
1 đến
16. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5,
tr.134, 317, 318, 317, 317, 321, 321, 315, 276, 321-322, 318, 321, 319, 314,
319, 88.
17. Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr.20618.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội
nhập (Đại hội VI,VII,VIII,IX,X,XI), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.102
No comments:
Post a Comment