Wednesday, March 28, 2018

Wednesday, March 7, 2018

KINH NGHIỆM TIẾN HÀNH CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG KHU GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN, KHU NHÀ TRỌ, KHU CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN CỦA QUÂN ĐOÀN HIỆN NAY

                                 Thượng tá VÕ VĂN LƯƠNG
     Trưởng Ban Dân vận/CCT

Tiến hành công tác dân vận (CTDV) trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ, khu công nghiệp trên địa bàn Quân đoàn nói riêng là một nội dung trong tiến hành CTDV, là một nhiệm vụ quan trọng và tương đối phức tạp. Quân đoàn là đơn vị chủ lực của Bộ, đứng chân trên địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa ở phía Nam, khu vực phát triển năng động, đang trong quá trình đô thị hóa nhanh; số lượng công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tương đối đông, nhiều thành phần khác nhau, từ các địa phương trong cả nước, sinh sống tập trung trong các khu nhà trọ trên địa bàn vành đai của Quân đoàn. Về cơ bản, công nhân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, tuy nhiên, một số ít công nhân còn bị các phần tử xấu, cơ hội, các thế lực thù địch lợi dụng kích động, sẵn sàng biểu tình, đình công, lãn công, đập phá các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng mất an toàn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội, khiếu kiện đất đai, lấn chiếm đất quốc phòng còn xảy ra.
Thực tế trong tiến hành CTDV khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp trên địa bàn của Quân đoàn cho thấy đã tiến hành tương đối tốt. Công tác tuyên truyền, vận động gia đình quân nhân, công nhân ở trọ trong khu gia đình, khu công nghiệp chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, đồng thời tham gia tích cực các hoạt động của địa phương, thực hiện trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người công dân nơi cư trú, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) địa phương. Bên cạnh đó, tiến hành CTDV khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp vẫn còn một số điểm còn hạn chế cần khắc phục, đó là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhất là những người trực tiếp cho thuê trọ về sự cần thiết phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động công nhân thuê trọ trong chấp hành quy định ở trọ chưa sâu, dẫn đến còn đơn giản trong thực hiện. Công tác quản lý về tình hình mọi mặt, nhất là lai lịch, lịch sử, hoàn cảnh, mối quan hệ của công nhân thuê trọ có lúc chưa chắc, thiếu cụ thể, dẫn đến khi xảy ra sự việc thường thụ động xử lý. Duy trì thực hiện và chấp hành quy định của địa phương tại nơi ở trọ có lúc chưa nghiêm, dẫn đến có lúc làm ảnh hưởng đến trật tự chung trong khu gia đình và khu ở trọ.
Từ thực tế trong tiến hành CTDV khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp trên địa bàn của Quân đoàn, rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp và cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng CTDV nói chung trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp nói riêng trong tình hình hiện nay
Trong đó phải thấy rõ được CTDV là bộ phận công tác vận động quần chúng của Đảng, là một nội dung của công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT ) trong quân đội, là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách trong tình hình hiện nay; là một mũi tiến công chính trị có hiệu quả trong phòng chống “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tiến hành CTDV trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân là một nội dung quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân, gắn xây dựng thế trận nhân dân với thế trận xây dựng hậu phương vững chắc, là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng vành đai an toàn, địa bàn an toàn. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về nghị quyết của Đảng, các chỉ thị, quy định của các cấp về CTDV, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chương trình hành động số 620-CTr/QƯTW ngày 11/10/2013 của Quân ủy Trung ương (QUTW), Nghị quyết số 49-NQ/QUTW ngày 26/01/2015 của QUTW; Nghị quyết số 606-NQ/ĐU của Đảng uỷ Quân đoàn “Về tăng cường và đổi mới CTDV của quân đội trong tình hình mới” và hướng dẫn thực hiện của cơ quan chính trị các cấp, làm chuyển biến sâu sắc hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành có hiệu quả CTDV trong khu gia đình, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp trên địa bàn trong tình hình hiện nay.
Hai là, các đơn vị trong Quân đoàn cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội của địa phương nơi đơn vị đứng chân tiến hành CTDV trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ của công nhân và khu công nghiệp trên địa bàn
Thực tế cho thấy đối với gia đình quân nhân thì việc quản lý tình hình mọi mặt của cán bộ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng luôn gắn với công tác quản lý của từng đơn vị, có nhiều thuận lợi. Nhưng đối với đối tượng công nhân ở trọ trên địa bàn thì việc quản lý, nắm chắc tình hình hình mọi mặt, nhất là về chất lượng chính trị, tình hình tư tưởng, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, mức sống, điều kiện hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, do đặc điểm của công nhân đa dạng như đã đề cập. Do đó, để tiến hành có hiệu quả CTDV trong khu gia đình quân nhân mà đặc biệt là khu nhà trọ công nhân, cần phải phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội của địa phương nơi đơn vị đứng chân để tiến hành. Trong đó, cần thường xuyên phối hợp rà soát, quản lý nắm chắc số lượng công nhân, gia đình quân nhân của đơn vị cư trú, ở trọ, nắm chắc chất lượng chính trị, mối quan hệ, thu nhập và công việc hàng ngày của công nhân; quản lý, nắm chắc những trường hợp có chất lượng chính trị tốt, những trường hợp là quân nhân xuất ngũ, đối tượng sỹ quan dự bị, số cán bộ đã nghỉ hưu, đương chức, chủ nhà trọ…, phấn đấu mỗi tổ, khu phố, khu gia đình có từ 2 đến 3 hạt nhân nòng cốt trong tiến hành CTDV. Cơ quan chuyên môn: Trinh sát, bảo vệ, dân vận của đơn vị cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình ANCT, TTATXH khu vực vành đai, những điểm nóng, khu vực nhạy cảm, dư luận trong công nhân và khu gia đình, sinh hoạt tôn giáo, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch…, thống nhất nhận định, đánh giá tình hình, đề xuất nội dung, biện pháp tiến hành CTDV.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức tiến hành CTDV trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp
Nội dung CTDV tập trung tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tuyên truyền, giáo dục chính sách đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hoá”, giáo dục “Luật bình đẳng giới”, Luật “Hôn nhân gia đình”, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, “Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đề cao trách nhiệm cộng đồng, tham gia giữ gìn ANCT, TTATXH, tích cực phòng, chống các tệ nạn xã hội (mại dâm, ma tuý, cờ bạc, trộm cướp…), ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, đồng thời đấu tranh làm thất bại các hoạt động lôi kéo, kích động, lợi dụng của các phần tử xấu, cơ hội, phản động và các thế lực thù địch. Vận động gia đình quân nhân, công nhân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao thể chất, phòng chống dịch bệnh, phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; tham gia tích cực các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Vận động từng gia đình biết yêu thương, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, khắc phục lối sống vô cảm, ích kỷ, thiếu sự quan tâm, chia sẻ.
Cần vận dụng linh hoạt các hình thức như: Hành quân dã ngoại làm CTDV; kết nghĩa (giữa các đơn vị của Quân đoàn với địa phương nơi công nhân ở trọ và gia đình quân nhân cư trú, giữa các đơn vị với các công ty, xí nghiệp trên địa bàn); phát huy các tổ CTDV của đơn vị; phối hợp tổ chức các buổi giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao kết hợp với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết... Ngoài ra cần vận dụng nhiều hình thức và mô hình mới như: Ký kết chương trình phối hợp, chăm lo gia đình chính sách trên địa bàn (mỗi tiểu đoàn một mô hình); mô hình “Ngày Dân vận khéo”, “Công tác dân vận ở khu dân cư”, “Sỹ quan, QNCN đăng ký gia đình thực hiện nghiêm quy định của địa phương, xây dựng gia đình văn hóa”; mô hình thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”, “Sỹ quan, QNCN không sinh con thứ 3, xây dựng gia đình không có bạo hành”; mô hình “Một cơ quan, đơn vị xây tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách” ở địa phương trên địa bàn đóng quân; mô hình “Địa bàn an toàn, không có tệ nạn xã hội”…Gắn CTDV với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt”, xây dựng vành đai an toàn, địa bàn an toàn. Thực tế các mô hình mới về CTDV ở các đơn vị như: Sư đoàn 7,9,309, Cục Hậu cần... đã vận dụng đem lại kết quả rất tốt và thiết thực.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để tiến hành CTDV trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, trách nhiệm của chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong đơn vị về CTDV trong khu gia đình, nhà công vụ và khu nhà trọ; lãnh đạo nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng về quan điểm, phương hướng, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, tư tưởng chỉ đạo về CTDV trong tình hình mới. Chính uỷ, chính trị viên phải trực tiếp chỉ đạo tiến hành CTDV của cơ quan, đơn vị mình. Cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp cần làm tốt chức năng tham mưu và giúp lãnh đạo, chỉ huy tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTDV trong khu gia đình, khu nhà trọ của công nhân và khu công nghiệp, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội của địa phương nắm chắc tình hình, kiểm tra đôn đốc, đề xuất nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa bàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên của đơn vị tại nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000, thực sự là lực lượng nòng cốt trong chấp hành các quy định của địa phương và tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở khu gia đình, khu nhà công vụ và khu nhà trọ công nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào. Tiến hành tốt CTDV trong khu gia đình quân nhân, khu nhà trọ công nhân và khu công nghiệp sẽ góp phần quan trọng xây dựng đơn vị an toàn, vành đai an toàn, tăng cường xây dựng đoàn kết quân dân, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

                                                                                                  V.V.L
KINH NGHIỆM XÂY DỰNG ĐƠN VỊ ĐIỂM VỀ THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “NGÀNH HẬU CẦN QUÂN ĐỘI LÀM THEO LỜI BÁC HỒ DẠY”  Ở LỮ ĐOÀN PHÒNG KHÔNG 71
  Trung tá TỪ XUÂN TRƯỜNG
    Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 71

Hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành  Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, ngành Hậu cần Lữ đoàn Phòng không 71 (PK71) luôn chủ động phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên cũng như đột xuất, giữ vững và nâng cao đời sống bộ đội.
Với quan điểm tự lực, tự cường, năm 2017, Lữ đoàn PK71 đã triển khai thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ) “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” trong điều kiện đơn vị đơn vị đóng quân phân tán, cơ sở vật chất hậu cần thiếu thốn, doanh trại hư hỏng xuống cấp nhiều, lại phải thực hiện nhiều cao điểm trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) phòng không. Tuy nhiên, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC), Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn xác định Lữ đoàn làm điểm về công tác BĐHC đời sống trong PTTĐ quyết thắng năm 2107. Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đạt nhiều kết quả tốt, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2017. 
Ngay từ đầu năm, Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết lãnh đạo về thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện cụ thể, bám sát đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Tập trung giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đối với việc bảo đảm hậu cần đời sống và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Làm cơ sở cho mọi người nắm vững nội dung, chỉ tiêu PTTĐ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ đảm nhiệm. Quá trình tổ chức thực hiện, Lữ đoàn thành lập Ban chỉ đạo PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, lấy Tiểu đoàn 16 làm đơn vị điểm để triển khai, rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn đơn vị. Phát huy vai trò trung tâm của cơ quan hậu cần và ngành hậu cần trong thực hiện PTTĐ. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng thông qua giao ban, hội ý để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra phương hướng cho thời gian tiếp theo.
Với tinh thần chủ động, kiên quyết khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” năm 2017, kết quả bảo đảm hậu cần của Lữ đoàn trong năm được thể hiện:
-  Công tác hậu cần SSCĐ luôn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ của Lữ đoàn. Dự trữ vật chất hậu cần đúng Chỉ thị số 22/CT-TMT của Bộ Quốc phòng, xây dựng đầy đủ kế hoạch hậu cần SSCĐ, duy trì nghiêm chế độ trực, tích cực luyện tập theo các phương án tác chiến phòng không của Lữ đoàn.
-  Công tác hậu cần thường xuyên luôn được quan tâm và thực hiện tốt. Duy trì có nền nếp các hoạt động của Hội đồng giá Lữ đoàn và trạm chế biến, giết mổ tập trung. Sản phẩm từ trạm có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành giảm từ 8–15% so với thị trường. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ thuật, tay nghề của trợ lý hậu cần, quản lý, nuôi quân. Chất lượng bữa ăn tại các bếp ổn định, bảo đảm nhiệt lượng ăn bộ binh đạt 3.599 Kcalo/người/ngày (vượt 154 Kcalo/người/ngày); binh chủng đạt 3.858 Kcalo/người/ngày (vượt 272 Kcalo/người/ngày). 100% đầu mối đơn vị đạt tiêu chuẩn đơn vị “ Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Tăng gia sản xuất (TGSX) phát triển tốt, kết quả thu hoạch Rau xanh: 61.130 kg, đạt 145,9 kg/người/năm (101% KH); cá tươi:14.031 kg, đạt 33,5 kg/người/năm (100% KH); heo hơi: 39.776 kg, đạt 95 kg/người/năm (100% KH); ủ giá đỗ: 3.067 kg. Tiền lãi từ TGSX đạt 330.764.000 đồng, bình quân: 790.000 đ/người (99% KH). Công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch; thăm khám, thu dung điều trị được duy trì thực hiện nghiêm túc, quân số khỏe đạt 99,4 %, bảo đảm tốt quân số khỏe cho huấn luyện, SSCĐ. Phong trào thi đua “Xây dựng, quản lý doanh trại chính quy xanh – sạch – đẹp” được tiến hành thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực; cảnh quan Lữ đoàn ngày càng khang trang, sạch đẹp, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị. Các phong trào thi đua của ngành vận tải, xăng dầu luôn được quan tâm và triển khai chu đáo, bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ của Lữ đoàn và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, công tác BĐHC đời sống của Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được nâng lên, chất lượng công tác BĐHC có tính ổn định vững chắc, cơ quan hậu cần được Lữ đoàn đề nghị Quân đoàn tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, nhiều cá nhân được  khen thưởng...
Để góp phần thực hiện ngày càng có chất lượng và hiệu quả PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, không ngừng nâng cao chất lượng công tác BĐHC. Ngành Hậu cần Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp trong tổ chức thực hiện sau: 
1. Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác BĐHC; Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; chỉ lệnh công tác hậu cần hàng năm. Đẩy mạnh PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tập trung đột phá, tạo sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ, vững chắc công tác BĐHC đời sống và chăm sóc sức khỏe bộ đội. Nâng cao chất lượng huấn luyện hậu cần, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật trong công tác hậu cần. Xây dựng cơ quan, ngành hậu cần vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐHC cho đơn vị.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, vai trò của người chỉ huy các cấp trong đơn vị; nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện PTTĐ của Ban chỉ đạo, cơ quan và cán bộ, nhân viên hậu cần. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện PTTĐ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; tích cực khắc phục các khâu yếu, mặt yếu; biểu dương khen thưởng kịp thời. Chú trọng xây dựng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình, hoàn thành tốt nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu của PTTĐ.
3. Làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, lấy cơ quan, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ ngành hậu cần làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo, khắc phục khó khăn, triệt để thực hành tiết kiệm, tận dụng mọi lợi thế của đơn vị để làm tốt công tác hậu cần.
4. Triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung, chỉ tiêu PTTĐ; gắn thực hiện các nội dung, chỉ tiêu PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với thực hiện PTTĐ quyết thắng, các PTTĐ và cuộc vận động khác. Đẩy mạnh hoạt động thi đua hướng vào các dịp cao điểm, kỷ niệm các ngày lễ lớn và vào thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị để thúc đẩy PTTĐ phát triển toàn diện, có hiệu quả và trở thành nền nếp trong bộ đội.
Với những nỗ lực nói trên, đời sống cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn PK71 đã được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng để Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Quân đoàn giao./.
                                                                                               T.X.T 


MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ TRONG ĐẢNG BỘ QUÂN ĐOÀN
Đại tá TRƯƠNG NGỌC HỢI
     Phó Chính ủy Quân đoàn

Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật là bản chất, truyền thống của quân đội ta. Từ khi ra đời đến nay, quân đội ta luôn coi trọng và phát huy quyền làm chủ của cán bộ, chiến sỹ trong các nhiệm vụ, coi đó là một mặt công tác cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp nhằm tạo môi trường thuận lợi để bộ đội thực hiện tốt quyền lợi, trách nhiệm, nâng cao ý thức kỷ luật và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), giúp mọi người được nghiên cứu, quán triệt tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của Bộ Quốc phòng trong cơ quan, đơn vị, qua đó xác định quyền làm chủ của mình, giải quyết tốt những vướng mắc do thực tiễn cuộc sống đặt ra, củng cố tư tưởng, giữ vững niềm tin, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Quán triệt và thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDCCS, trong thời gian qua, công tác xây dựng và thực hiện QCDCCS trong Quân đoàn đã được cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cơ quan chính trị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, gắn xây dựng với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mọi cán bộ, chiến sỹ nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện QCDCCS. Dân chủ trong lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ huy và các tổ chức quần chúng ngày càng được mở rộng. Hội đồng quân nhân hoạt động cơ bản có nền nếp. Phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, chỉ huy được nâng lên, gương mẫu, sâu sát cơ sở, coi trọng đối thoại dân chủ, kịp thời giải quyết vướng mắc của bộ đội, nội bộ đoàn kết thống nhất, góp phần quan trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, việc thực hiện QCDCCS ở cơ quan, đơn vị còn một số hạn chế, đó là:
Nhận thức về QCDCCS của một số cấp ủy, chỉ huy và quân nhân chưa sâu sắc, toàn diện; việc tổ chức nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên chưa thường xuyên dẫn đến sự chuyển biến về dân chủ, kỷ luật còn chậm. Trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ có nơi chưa nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; nội dung, phương pháp sinh hoạt tập thể quân nhân có đơn vị chất lượng chưa cao; vai trò tham mưu của cơ quan chính trị ở một số đơn vị còn hạn chế; thực hiện chế độ báo cáo có đơn vị chưa đầy đủ.
Chính vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện QCDCCS, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác giáo dục, quán triệt, tuyên truyền, học tập cho cán bộ, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trọng tâm là Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW ngày 04/10/2010 của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Hướng dẫn số 1576/HD-CT của Tổng cục Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội”, Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở”, Thông tư số 111/2009/TT-BQP ngày 20/11/2009 của Bộ Quốc phòng “Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân trong QĐND Việt Nam, Nghị quyết số 48-NQ/ĐU ngày 30/12/2010 của Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn lãnh đạo thực hiện QCDCCS; quán triệt, triển khai thực hiện phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn năm 2017 “Một tập trung, hai thường xuyên, ba khâu đột phá, bốn cùng bộ đội” ở các cấp. Thông qua việc quán triệt, giáo dục, học tập, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong cơ quan, đơn vị về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện QCDCCS, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và trách nhiệm, không ngừng phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực xây dựng đơn vị thông qua việc đóng góp ý kiến, phát huy quyền làm chủ, tham gia các hoạt động thực hiện QCDCCS.
Hai là, nâng cao chất lượng thực hiện nội dung QCDCCS trong cơ quan, đơn vị
Đối với việc thực hiện dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng: Hoạt động của cấp ủy, chi bộ phải thực hiện theo Quy định số 87/QĐ/ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Quy định một số vấn đề cơ bản về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bộ Quân đội”. Thường xuyên giữ vững nền nếp, nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, phát huy tốt trí tuệ của tập thể cấp ủy, chi bộ, đề cao tính chiến đấu, tính kỷ luật, đấu tranh tự phê bình và phê bình trong việc ra nghị quyết lãnh đạo; nâng cao chất lượng thực hiện các quy chế, quy định đã ban hành. Coi trọng việc kết hợp giữa thực hiện QCDCCS với phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn trong tổ chức đảng và đảng viên. Gắn xây dựng và thực hiện QCDCCS với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đối với thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, điều hành của người chỉ huy: Thường xuyên duy trì thực hiện đúng quy chế làm việc trong hoạt động quản lý điều hành cơ quan, đơn vị, tạo được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, chỉ huy; kiên quyết khắc phục những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, cục bộ, bè phái, trù dập cá nhân, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức, dân chủ xuôi chiều, những hành vi lợi dụng dân chủ gây mất đoàn kết nội bộ. Thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị (từ cấp sư đoàn và tương đương xuống đến cấp tiểu đoàn và tương đương) hàng năm đều phải xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo, chỉ huy với tập thể quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt ngày Chính trị, văn hóa tinh thần; thực hiện “Ngày pháp luật”, thực hiện “4 cùng” với bộ đội; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi cán bộ đảng viên và quần chúng, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sỹ ngay từ cơ sở. Kết hợp với thực hiện có nền nếp chế độ thông báo, công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí để mọi cán bộ, chiến sỹ, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trao đổi, quán triệt tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động.
Đối với thực hiện dân chủ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng, thông qua hoạt động của hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng: Duy trì hoạt động, tập trung thực hiện “3 dân chủ” của HĐQN theo Thông tư số 111/2009/TT-BQP ngày 20/11/2009 của BQP “Quy định về tổ chức và hoạt động của HĐQN trong QĐND Việt Nam”. Phát huy vai trò của HĐQN trong tham gia ý kiến đóng góp, phê bình cho cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và cho chỉ huy các cấp theo Kết luận số 241- KL/TVĐU của Đảng ủy Quân đoàn với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và có chất lượng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hòm thư góp ý ở cơ quan, đơn vị, khi có thư góp ý của cán bộ, chiến sỹ phải tiến hành giải quyết trong thời gian nhanh nhất, không để kéo dài, chậm trễ. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ; thông qua hoạt động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ, đoàn viên, hội viên tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người chỉ huy để lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện QCDCCS.
Ba là, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy viên phụ trách, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện QCDCCS.
Cấp uỷ viên phụ trách, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp có vị trí vai trò quan trọng bảo đảm cho dân chủ ở cơ sở thực sự được phát huy; thông qua hoạt động của cấp uỷ viên phụ trách, chính uỷ, chính trị viên và cơ quan chính trị, các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy chế, quy định của các cấp về QCDCCS được cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả ở cơ sở. Cấp ủy viên phụ trách QCDCCS ở các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên được kiện toàn đúng đủ, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, nắm tình hình kết quả xây dựng và thực hiện QCDCCS ở các đơn vị trực thuộc. Đội ngũ chính uỷ, chính trị viên phải nắm chắc nội dung hoạt động dân chủ cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đồng thời gương mẫu thực hiện QCDCCS, mẫu mực trong thực hiện các quy chế, quy định, nói đi đôi với làm, chủ trương phải đi đôi với biện pháp. Cơ quan chính trị các cấp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp uỷ về chủ trương, biệp pháp nâng cao chất lượng thực hiện QCDCCS trong đơn vị, thực hiện theo phương châm: “Gần cơ sở, nói ngắn, viết gọn, tham mưu đúng, trúng, hiệu quả”, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, tránh hình thức. Thực hiện tốt việc hướng dẫn kiểm tra, sơ, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật, thường xuyên rà soát các quy chế, quy định; kiện toàn tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và cấp uỷ viên phụ trách QCDCCS. Định kỳ hàng tháng, quý có kế hoạch kiểm tra, khảo sát nắm tình hình, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện, duy trì nền nếp hoạt động, đăng ký, thống kê chặt chẽ đúng quy định và thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ có chất lượng.
Năm là, đề cao ý thức, phát huy trách nhiệm của mọi cán bộ,chiến sỹ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, chấn chỉnh, ngăn ngừa và xử lý vi phạm về thực hiện QCDCCS.
Cán bộ, chiến sỹ giữ vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng thực hiện QCDCCS. Chính vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện QCDCCS ở cơ sở, mọi cán bộ, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị phải được thông tin về pháp luật; được quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của các cấp liên quan đến đời sống và lợi ích trực tiếp; được tham gia các hoạt động huấn luyện, SSCĐ, lao động sản xuất, được bảo đảm đầy đủ về chế độ và quyền lợi; được tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện, phát huy quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị. Tổ chức tốt việc đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sỹ được chỉ huy tiếp thu, giải quyết kịp thời, bảo đảm cho mọi quân nhân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra.
Phát huy vai trò của tập thể, đề cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, phê phán những hành vi vi phạm quyền dân chủ của cán bộ, chiến sỹ, những hành vi lợi dụng dân chủ gây mất đoàn kết nội bộ, chống bệnh quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, chất vấn của chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ, tập trung vào những cơ quan, đơn vị có khuyết điểm chậm khắc phục. Khi có dấu hiệu vi phạm dân chủ, kỷ luật phải có biện pháp chấn chỉnh, ngăn ngừa kịp thời. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời kiên quyết xử lý các tổ chức và những cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật, vi phạm QCDCCS.
Trước những yêu cầu ngày càng cao về mọi mặt trong xây dựng đơn vị VMTD, thực hiện QCDCCS cũng đặt ra phải được không ngừng nâng cao, dân chủ thực sự phải được phát huy mọi lúc, mọi nơi; trách nhiệm của cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng cũng không ngừng được nâng lên. Thực hiện tốt một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDCCS sẽ góp phần quan trọng xây dựng các cấp uỷ đảng và Đảng bộ Quân đoàn TSVM, xây dựng đơn vị VMTD, nâng cao chất lượng tổng hợp của Quân đoàn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

       T.N.H
QUÂN ĐOÀN 4 TRONG ĐỢT MỘT
TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN 1968

                                      Đại tá, ThS PHẠM VĂN DƯƠNG
                                        Trưởng phòng Khoa học quân sự

Quân đoàn 4 được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát triển của các đơn vị chủ lực Miền tác chiến trên chiến trường miền Đông Nam Bộ; lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia; xây đắp lên truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Anh dũng - Sáng tạo - Tự lực - Quyết thắng”. Hơn 40 năm liên tục xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; trong đó: Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và một số đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước khi thành lập Quân đoàn, các đơn vị tiền thân đã trải qua những năm tháng đánh Mỹ ác liệt, lập nên những chiến công vang dội trên khắp chiến trường, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy, đưa cuộc chiến tranh cách mạng sang một giai đoạn mới; buộc đế quốc Mỹ phải thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các sư đoàn chủ lực Miền cùng lực lượng vũ trang địa phương đã bất ngờ tiến công đồng loạt vào các đô thị, đánh nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố Sài Gòn - Gia Định, góp phần cùng quân và dân cả nước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và chấp nhận không tăng thêm quân Mỹ ở miền Nam.
Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 là những Sư đoàn chủ lực của Miền, là hai đơn vị tiền thân của Quân đoàn với những hy sinh, mất mát to lớn; đã đóng góp một phần chiến công không nhỏ vào thắng lợi Mậu Thân 1968.
Tháng 1 năm 1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 14, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định tổ chức lại các chiến trường ở miền Đông Nam Bộ, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ lực Miền tiến công các căn cứ địch ở vòng ngoài, kiềm chế và ngăn chặn các sư đoàn Mỹ và ngụy, không cho địch đưa lực lượng về Sài Gòn, bảo đảm phía sau cho lực lượng vũ trang các phân khu đánh địch trong thành phố, thị xã.
Trên hướng Sư đoàn 9
Cuối tháng 12 năm 1967, cùng với các đơn vị bạn, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 từ căn cứ bắt đầu hành quân về đồng bằng. Khí thế “xuống đường”, niềm tin “dứt điểm” lên rất cao. Hàng nghìn thư quyết tâm của các đơn vị và cá nhân gửi lên Đảng ủy, Bộ tư lệnh Sư đoàn, nguyện chiến đấu, hy sinh làm tròn nhiệm vụ trong thời cơ lịch sử.
Đêm ngày 01/01/1968, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 phối hợp chặt chẽ, hành quân chiếm lĩnh vị trí tập kết bí mật, diệt gọn cụm chốt quân Mỹ ở ngã ba Bà Chiêm, mở đường cho các đơn vị bạn vượt qua tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của địch. Sau chiến thắng ở ngã ba Bà Chiêm, toàn Sư đoàn tranh thủ thời gian huấn luyện, bổ sung cách đánh ở làng mạc, ruộng đồng trống trải, tổ chức ngụy trang, giấu quân, đào công sự... Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chính trị, xây dựng quyết tâm chiến đấu, học tập 7 lời căn dặn của Bác Hồ, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy.
Đêm 30, rạng ngày 31/01/1968, tức đêm mồng 1 Tết Mậu Thân (theo lịch miền Nam), quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở nhiều thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Tại Sài Gòn - Gia Định, bộ đội đặc công, biệt động đồng loạt tiến công các cơ quan đầu não quan trọng nhất của Mỹ - ngụy như Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập của tổng thống ngụy quyền, Bộ tổng tham mưu ngụy, Biệt khu Thủ đô, đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất...Trong khi đó các sư đoàn chủ lực Miền tiến công các căn cứ quân sự, sở chỉ huy các sư đoàn quân Mỹ – ngụy ở vòng ngoài; kiềm chế, ngăn chặn không cho địch đưa lực lượng về cứu nguy cho nội thành.
Trung đoàn 1 được giao nhiệm vụ tiến công trung tâm huấn luyện Quang Trung của địch, trung tâm huấn luyện Quang Trung là căn cứ quân sự lớn của Mỹ - ngụy, nằm cách nội thành Sài Gòn hơn 10km về phía tây bắc. Ở đây địch có 16.000 tân binh, xung quanh căn cứ có hệ thống bố phòng cẩn mật và nhiều căn cứ không quân, trận địa pháo binh yểm trợ. Đồng chí Nguyễn Văn Sơ, Phó chính ủy Trung đoàn trực tiếp đi cùng Đại đội 12, đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 3 đi trước đội hình Trung đoàn.
Ngày 31/01/1968, Đại đội 12 luồn lách qua tuyến phòng thủ của địch ở vùng ven, áp sát mục tiêu trong khi đại bộ phận đơn vị chưa đến kịp. Đồng chí Sơ quyết tâm cho bộ đội nổ súng đúng giờ quy định để phối hợp chung toàn chiến trường, trận đánh diễn ra ác liệt suốt 5 giờ. Kết quả: 300 tên địch bị tiêu diệt, trung tâm huấn luyện bị phá hủy. Với lực lượng rất chênh lệch, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 12/ Tiểu đoàn 3 đã trụ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Phó Chính ủy trung đoàn Nguyễn Văn Sơ vừa động viên các chiến sĩ, vừa tổ chức chỉ huy chiến đấu, giữ vững trận địa và cầm súng đánh giặc như một chiến sĩ và đã anh dũng hy sinh.
Địch phản ứng dữ dội, chúng tung lực lượng từ Thới Tam Thôn (Hóc Môn) ra chi viện, giải tỏa, Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 1 chuyển sang đánh địch chi viện. Sau 10 ngày chiến đấu liên tục (từ ngày 4 đến 13/02/1968) lực lượng địch hơn hẳn ta về xung lực, lại được sự chi viện tối đa của xe tăng và pháo binh; nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, táo bạo, linh hoạt; được sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân địa phương, từ tiếp tế lương thực, tải thương, tải đạn, nuôi giấu thương binh, chôn cất tử sĩ, cung cấp tình hình địch..., đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết thúc đợt một Tổng tiến công, Trung đoàn 1 đã loại khỏi vòng chiến đấu 856 tên, bắn rơi 23 máy bay, bắn hỏng 56 xe quân sự, phá hủy 2 khẩu pháo, thu 115 súng các loại.
Trung đoàn 2 có nhiệm vụ chốt chặn trên đường số 22 qua xã Tân Phú Trung, huyện Hóc Môn (nay là huyện Củ Chi), ngăn chặn sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù, không cho địch đưa lực lượng về Sài Gòn. Tiểu đoàn 4 được giao nhiệm vụ chốt giữ đường số 22 trên khu vực xã Tân Phú Trung, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 đã kiên cường chốt chặn, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Có ngày, từ 3 giờ sáng đến 6 giờ chiều, địch huy động 170 lượt chiếc xe tăng, xe bọc thép, mở liên tiếp nhiều đợt phản kích. Bom, pháo địch phá nát các vườn cây, trái; phá hủy nhiều nhà dân, giết chết hàng chục dân thường;14 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của Tiểu đoàn 4, địch không giải tỏa được đường số 22 cho đến khi có lệnh của trên, Tiểu đoàn mới rút khỏi trận địa.
Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 phối hợp với du kích địa phương, diệt và bức hàng một số đồn bảo an, dân vệ ở vùng ven căn cứ Đồng Dù; bị ta uy hiếp mạnh, địch trong căn cứ Đồng Dù gọi máy bay đến ném bom và liên tục bắn pháo vào các khu vực nghi ngờ có bộ đội ta. Có ngày trận địa Tiểu đoàn 5 bị trúng bom địch, 70 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 5 đã dựa vào sự giúp đỡ của cấp ủy đảng và nhân dân địa phương để mai táng tử sĩ, đưa thương binh về tuyến sau, đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, ác liệt, kiên quyết giữ vững trận địa. Phát hiện địch tập trung chuẩn bị mở cuộc phản kích lớn, Chỉ huy Tiểu đoàn hội ý với cấp ủy đảng địa phương tổ chức cho nhân dân sơ tán, lực lượng của Tiểu đoàn kiên quyết trụ lại đánh địch. Với quyết tâm và sự nhất trí cao, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã phân công nhau xuống từng tiểu đội, quán triệt quyết tâm đến từng chiến sĩ, đồng thời tổ chức bộ đội đào đắp công sự, bố trí lại lực lượng sẵn sàng đánh địch. Ngày hôm sau, trận đánh diễn ra ác liệt từ sáng sớm, sau mỗi lần phản kích bị đánh bật ra, địch lại gọi máy bay, pháo binh bắn phá trận địa. Nhiều công sự bị phá hủy, nhà dân bị cháy, cây cối bị gẫy gập; nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhưng địch không đột phá được trận địa của Tiểu đoàn 5.
Cùng thời gian, trên hướng bắc, đông bắc Sài Gòn, Trung đoàn 3 do Trung đoàn trưởng Chín Mây và Chính ủy Hai Hêm chỉ huy tiến công chi khu quân sự Thủ Đức, Tổng kho Long Bình và khu vực cầu Băng Ky (Bình Thạnh), đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy.
Trên hướng Sư đoàn 7
Ngày 15/01, đồng chí Nguyễn Thế Bôn, Sư đoàn trưởng và đồng chí Vương Thế Hiệp, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đi nhận nhiệm vụ ở Bộ Chỉ huy Miền về, tiến hành hội nghị Đảng ủy Sư đoàn. Đảng ủy quán triệt và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Quân ủy Miền giao: Vừa duy trì hoạt động thường xuyên, vừa lãnh đạo chỉ huy bộ đội làm công tác chuẩn bị và cử cán bộ đi nghiên cứu địa bàn tác chiến ở đông - bắc thị xã Thủ Dầu Một: “Mọi công tác chuẩn bị phải xong trước ngày 25 tháng 01 năm 1968”, “…Tuyệt đối giữ bí mật, tạo ra bất ngờ lớn nhất đối với địch”.
Ngày 24/01/1968, Sư đoàn được lệnh hành quân. Nhiều đồng chí chưa lành vết thương, chưa cắt cơn sốt rét vẫn đòi ra trận; quân số chiến đấu tăng lên 20 - 25% so với dự kiến, đại đội bộ binh lên 80 đến 100 đồng chí, đại đội hỏa lực, phục vụ đều trên dưới 100 đồng chí.
Đêm 30/01/1968 - đêm giao thừa Tết Mậu Thân, khi toàn Miền nổ súng tiến công thì Đại đội 100 Đặc công của Sư đoàn cùng một bộ phận Phân khu 1 đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy trung đoàn 8 (sư đoàn 5) ngụy ở Bến Cát.
Ở vòng ngoài, Trung đoàn 141 ngăn chặn trung đoàn 11 tăng thiết giáp; bao vây thu hút địch ở phía bắc Sài gòn. Đêm 5 tháng 2, Tiểu đoàn 2 tập kích cụm cơ giới Mỹ ở bắc Bầu Bàng. Ngày 6 tháng 2, địch đổ một tiểu đoàn thuộc chiến đoàn 7 (sư đoàn 5 ngụy) xuống lộ đỏ Phú Hưng. Chớp thời cơ, Trung đoàn trưởng Doãn Khiết hội ý Ban chỉ huy Trung đoàn rồi chỉ huy Tiểu đoàn 1 (tăng cường) tập kích, tiêu diệt gọn tiểu đoàn ngụy ngay trong đêm. Sáng ngày 7 tháng 2, địch đổ một tiểu đoàn Mỹ thuộc sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” xuống cách nơi tiểu đoàn ngụy vừa bị diệt 1km; gần sáng ngày 8 tháng 2, Tiểu đoàn 2 và các đại đội hỏa lực Trung đoàn tập kích, tiểu đoàn Mỹ này bị thiệt hại nặng.
Ngày 12/02/1968, tại Sở chỉ huy Sư đoàn, đồng chí Lê Văn Tưởng, Chủ nhiệm chính trị Miền giao nhiệm vụ: “Sư đoàn 7 bằng mọi cách nhanh chóng phát triển xuống vùng ven, cùng với Phân khu 5 lập thành một mặt trận đánh địch, chủ yếu ở nam, bắc thị xã Thủ Dầu Một, nhằm kéo địch từ Sài Gòn lên, giảm sức ép của chúng đối với các đơn vị đang chiến đấu ở nội thành”.
Quán triệt tinh thần nhiệm vụ; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định sử dụng Trung đoàn 165 đánh xuống và đứng chân ở nam thị xã, Trung đoàn 141 áp sát bắc thị xã. Trong hai ngày 15 và 16/02/1968, toàn bộ đội hình Trung đoàn 141 chuyển xuống đứng chân ở khu vực An Hòa, An Lợi. Tại đây, các chiến sĩ được bà con, cô bác đón tiếp niềm nở, đầm ấm như những người thân đi xa lâu ngày mới về. Nhân dân cung cấp cho bộ đội về hoạt động của địch, các tổ dân quân dẫn đường cho cán bộ đi trinh sát thực địa.
Đêm 17 tháng 2, được hỏa lực Trung đoàn chi viện, Tiểu đoàn1 tập kích vào Sở Gà (bắc thị xã 4km) đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn (thiếu) ngụy. Ngày hôm sau, địch đưa bộ binh và xe tăng thiết giáp ra phản kích; khi đội hình chủ yếu của địch lọt vào trận địa của Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn trưởng lệnh các loại hỏa lực của tiểu đoàn cùng với hỏa lực của Trung đoàn bắn cấp tập. Đội hình địch bị rối loạn, toàn Tiểu đoàn đồng loạt xung phong; bị đánh bất ngờ, địch bỏ chạy về phía sau.
Những ngày tiếp sau, Trung đoàn 141 liên tục đánh địch phản kích. Các chiến sĩ Đại đội 3/ Tiểu đoàn 1 chiến đấu ngoan cường suốt ba ngày trên đồi An Lợi, đánh lùi gần 20 đợt tiến công của nhiều tiểu đoàn địch có xe tăng, xe bọc thép đi cùng. Nổi bật là tấm gương Đại đội trưởng Đào Văn Viêm, đã mưu trí, linh hoạt chỉ huy đơn vị đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Trung đoàn 141 tập kích Sở Gà lần hai, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch, làm địch lúng túng đối phó và liên tiếp bị đánh ở Sở Ông Đông, gò Cây Me, An Lợi, Bưng Cầu.
Những ngày này, Trung đoàn 165 chuyển hết lực lượng sang đông đường 13, Trung đoàn được bổ sung gạo, đạn để thọc xuống phía nam. Đêm 3 tháng 3, được lực lượng địa phương giúp đỡ, Tiểu đoàn 6 đã luồn lách xuống Lái Thiêu. Vừa tới nơi, được cơ sở báo có một tiểu đoàn ngụy đi càn về, đang cụm tại trường Cộng Đồng trong thị trấn Búng, đông nam thị xã Thủ Dầu Một 6km. Ngay trong đêm 3 rạng ngày 4, Tiểu đoàn đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2 (-)/ trung đoàn 8 và 1 đại đội của tiểu đoàn3/ trung đoàn 7 thuộc sư đoàn 5 ngụy có cố vấn Mỹ đi cùng và 1 trung đội dân vệ thị trấn Búng; diệt khoảng 500 tên, phá hủy 2 xe bọc thép, 2 xe Zép, 2 súng cối 61 mm, thu 1 khẩu Cacbin.
Hai ngày sau, toàn bộ Trung đoàn 165 xuống trụ vững Lái Thiêu: Tiểu đoàn 4, sau trận phục kích ở nam Búng đã kiên cường bám trụ An Sơn, An Thạnh, bẻ gãy các đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa; Tiểu đoàn 6 luồn lách xuống Thạch Quý, diệt gọn một đại đội địch; Tiểu đoàn 5 xuống nam Lái Thiêu, đánh địch ở Phú Long, Vĩnh Phú (bắc Sài Gòn 12 km). Nổi bật là Đại đội 6, liên tiếp bốn ngày đánh địch phản kích, đánh thiệt hại nặng một đại đội và ba trung đội khác của địch.
Đến cuối tháng 3 năm 1968, qua gần hai tháng Tổng tiến công và nổi dậy đợt một trên toàn Miền Nam, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Cùng với thắng lợi của quân dân miền Bắc, buộc Giôn-xơn phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa) trở vào và cử đại diện sang đàm phán với Chính phủ ta tại Pa-ri. Ở miền Nam, chúng đưa ra biện pháp chiến lược “quét và giữ”, thay thế cho biện pháp “tìm diệt” đã bị phá sản hòng giành lại đất đai đã mất và bắt đầu tính tới việc “phi Mỹ hóa” chiến tranh.
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đến nay đã 50 năm, các đơn vị tiền thân của Quân đoàn đã lập nên những chiến công oanh liệt nhưng kèm theo bao mất mát hy sinh. Những chiến công của cha ông ta thời kỳ Mậu Thân 68 đã đi vào lịch sử; đây là nguồn tư liệu quý giá, cung cấp, bổ sung, phục vụ cho nghiên cứu các công trình Khoa học lịch sử quân sự và Nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời là những cứ liệu phản bác các quan điểm, luận điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận các sự kiện lịch sử, vai trò của quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Trên cơ sở các nguồn tư liệu; cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường giáo dục truyền thống; động viên cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên đóng góp trí tuệ và công sức nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.


                                                                                                P.V.D
TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ SỐ 22 THỰC HIỆN TỐT
NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN

                                    Thượng tá, KSC  NGUYỄN ĐỨC THANH
                                      Trưởng khoa Công nghệ ô tô/ Trường CĐ nghề số 22

          Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2016-2020) đó là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục – đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”. Như vậy, giáo dục -  đào tạo có nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
      Quán triệt quan điểm, tư tưởng trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn xác định: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển đối với Nhà trường. Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng đào tạo gắn với việc làm, đào tạo với sử dụng, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nhà trường thường xuyên giao lưu và hợp tác với các chủ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn và các khu công nghiệp lớn của các tỉnh thành, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo. Thông qua đó, Nhà trường lắng nghe, tiếp nhận sự đánh giá, góp ý từ các nhà sử dụng sản phẩm do Nhà trường đào tạo, để từ đó tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình dạy nghề, tổ chức xây dựng, biên soạn chương trình đào tạo cho phù hợp. Đây là cách thức rất hiệu quả để Nhà trường nắm được nhu cầu thực tế, từ đó bổ sung, điều chỉnh kiến thức chuyên môn cũng như tư chất, đạo đức và các kỹ năng khác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
      Nhà trường đổi mới mạnh mẽ, triệt để phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá. Các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá được tổ chức tập huấn, chia sẻ định kỳ ở các cấp độ khác nhau, toàn trường, khoa. Giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, phù hợp với nội dung giảng dạy, giảng dạy tích hợp các kỹ năng công việc (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cộng tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề…) đã tạo cho người học phong cách chủ động, học tập mọi lúc, mọi nơi, tự lập kế hoạch học tập, phát huy khả năng học tập suốt đời và phù hợp với yêu cầu liên tục tự cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn và văn hóa làm việc của con người trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành hệ thống đào tạo giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực của giáo viên và sinh viên. Đổi mới mạnh mẽ về kiểm tra, đánh giá cũng tác động không nhỏ đến tỷ lệ việc làm nhờ thông qua đánh giá, thiết lập được các kỹ năng cần thiết cho sinh viên, nhất là kỹ năng học liên tục, học cả đời để thích ứng với cách làm việc của doanh nghiệp.
    Các khoa trong trường luôn chủ động tổ chức các học phần tại các doanh nghiệp, gửi sinh viên đến doanh nghiệp học tập hoặc mời chuyên gia đến trường để giảng dạy, chuyển giao các công nghệ mới, dạy kỹ năng mềm, tập cho sinh viên có tác phong và kỷ luật công nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Áp dụng chặt chẽ các quy tắc khi vào làm việc tại các xưởng thực tập, yêu cầu học viên chấp hành nghiêm, mục đích chính là tạo cho người học thói quen tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng sản phẩm.Thực tập xí nghiệp được triển khai rộng rãi ở tất cả các khoa.
     Nhà trường tạo ra rất nhiều các loại hình thức dịch vụ tư vấn hỗ trợ sinh viên. Hỗ trợ sinh viên nghèo có việc làm ngay để cải thiện đời sống sinh hoạt bằng hàng loạt các hoạt động như: Tạo điều kiện cho các em đi làm thêm tại các công ty, dịch vụ, cửa hàng ăn uống, bảo trì, sửa chữa xe gắn máy, thay nhớt, rửa xe, cà phê, sửa chữa máy tính…Các khoa trong Nhà trường cùng với Ban Chính trị - Quản lý sinh viên và Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên, giúp sinh viên trong học tập, rèn luyện và nâng cao khả năng tự học và học nhóm. Ngoài ra Nhà trường luôn quan tâm thực hiện việc tổ chức liên kết đào tạo; những năm vừa qua, đã thực hiện liên kết, đào tạo các ngành nghề như: Cơ khí, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, y sỹ - dược sỹ và điều dưỡng cộng đồng. Thông qua các hình thức liên kết đào tạo giữa Nhà trường với các cơ sở, doanh nghiệp mà chương trình đào tạo của Nhà trường luôn được điều chỉnh, cập nhật được cái mới, hiện đại hơn, thích ứng hơn với trình độ công nghệ mới, nâng cao được năng lực cạnh tranh, tính sáng tạo của sinh viên, giải quyết tốt mối quan hệ giữa khối lượng kiến thức và thời gian đào tạo, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Các cơ sở thực tế ngoài việc đầu tư hỗ trợ cho Nhà trường trong công tác đào tạo còn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo của Nhà trường. Nhờ vậy, khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của Nhà trường và các yêu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng được thu hẹp nhờ sinh viên tốt nghiệp ra trường có kiến thức, kỹ năng phù hợp với các yêu cầu nhà tuyển dụng. Người học được đào tạo đủ tất cả các phẩm chất cần có, từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng và ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp. Cấu trúc chương trình đào tạo của tất cả các ngành bắt buộc sinh viên phải trải qua thực tập tại trường và ở các doanh nghiệp. Giải pháp này giúp các em tốt nghiệp ra trường có kỹ năng thực hành thành thạo, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
    Nhà trường luôn đặt mục tiêu hàng đầu là người học ra trường có việc làm đúng ngành nghề, trong thời gian sớm nhất hoặc có thể ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu của Nhà trường trong suốt những năm qua. Nhờ có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà trường với các doanh nghiệp, nên sau khi tốt nghiệp ra trường, học viên được các nhà tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp đến nhận và ký kết hợp đồng lao động. Hiện nay có hàng ngàn học viên đã ra trường đang làm việc tại các công ty lớn như: Công ty ô tô Trường Hải (chi nhánh Bình Dương), Công ty ô tô An Xương/ thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ  phần Toyota Bình Dương, Công ty điện Việt Phát, Công ty TNHH Đại Phong Vĩ, Công ty cơ khí Sóng thần, Công ty Li-ma-di-co Nhơn Trạch (Đồng Nai)…Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Nhà trường được thống kê trong 2 năm gần đây đạt con số cao. Kết quả khảo sát năm 2015, tỉ lệ sinh viên đã có việc làm ổn định là 57%, năm 2016 tỉ lệ sinh viên có việc làm ổn định là 62%. Đặc biệt, đối với Khoa Điện, tỉ lệ sinh viên đã có việc làm sau khi tốt nghiệp là 75% và Khoa Cơ khí, tỉ lệ sinh viên có việc làm trên 90%, thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 8 đến 12 triệu đồng/ người. Từ năm 2014 đến nay, đã có hàng trăm học viên ra trường được ký hợp đồng xuất khẩu lao động đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với mức lương từ 30 – 40 triệu đồng/tháng.
      Để đạt được tỷ lệ sinh viên có việc làm cao và ổn định như trên, Nhà trường đã triển khai rất nhiều các giải pháp đồng bộ như: Bảo đảm chất lượng từ việc thực hiện xét tuyển thí sinh đăng ký đầu vào, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, dịch vụ, phục vụ sinh viên, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp...
          Nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường cao là yêu cầu bắt buộc, sống còn của Nhà trường. Việc đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm đó chính là cái đích đến của Nhà trường. Vì vậy, thời gian tới, Đảng ủy – Ban giám hiệu Nhà trường trường đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, xây dựng Nhà trường vững mạnh và là nơi có địa chỉ tin cậy giải quyết việc làm cho người lao động./.

N.Đ.T