Wednesday, March 7, 2018

QUÂN ĐOÀN 4 TRONG ĐỢT MỘT
TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN 1968

                                      Đại tá, ThS PHẠM VĂN DƯƠNG
                                        Trưởng phòng Khoa học quân sự

Quân đoàn 4 được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát triển của các đơn vị chủ lực Miền tác chiến trên chiến trường miền Đông Nam Bộ; lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia; xây đắp lên truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Anh dũng - Sáng tạo - Tự lực - Quyết thắng”. Hơn 40 năm liên tục xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; trong đó: Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và một số đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước khi thành lập Quân đoàn, các đơn vị tiền thân đã trải qua những năm tháng đánh Mỹ ác liệt, lập nên những chiến công vang dội trên khắp chiến trường, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy, đưa cuộc chiến tranh cách mạng sang một giai đoạn mới; buộc đế quốc Mỹ phải thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các sư đoàn chủ lực Miền cùng lực lượng vũ trang địa phương đã bất ngờ tiến công đồng loạt vào các đô thị, đánh nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố Sài Gòn - Gia Định, góp phần cùng quân và dân cả nước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và chấp nhận không tăng thêm quân Mỹ ở miền Nam.
Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 là những Sư đoàn chủ lực của Miền, là hai đơn vị tiền thân của Quân đoàn với những hy sinh, mất mát to lớn; đã đóng góp một phần chiến công không nhỏ vào thắng lợi Mậu Thân 1968.
Tháng 1 năm 1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 14, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định tổ chức lại các chiến trường ở miền Đông Nam Bộ, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ lực Miền tiến công các căn cứ địch ở vòng ngoài, kiềm chế và ngăn chặn các sư đoàn Mỹ và ngụy, không cho địch đưa lực lượng về Sài Gòn, bảo đảm phía sau cho lực lượng vũ trang các phân khu đánh địch trong thành phố, thị xã.
Trên hướng Sư đoàn 9
Cuối tháng 12 năm 1967, cùng với các đơn vị bạn, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 từ căn cứ bắt đầu hành quân về đồng bằng. Khí thế “xuống đường”, niềm tin “dứt điểm” lên rất cao. Hàng nghìn thư quyết tâm của các đơn vị và cá nhân gửi lên Đảng ủy, Bộ tư lệnh Sư đoàn, nguyện chiến đấu, hy sinh làm tròn nhiệm vụ trong thời cơ lịch sử.
Đêm ngày 01/01/1968, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 phối hợp chặt chẽ, hành quân chiếm lĩnh vị trí tập kết bí mật, diệt gọn cụm chốt quân Mỹ ở ngã ba Bà Chiêm, mở đường cho các đơn vị bạn vượt qua tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của địch. Sau chiến thắng ở ngã ba Bà Chiêm, toàn Sư đoàn tranh thủ thời gian huấn luyện, bổ sung cách đánh ở làng mạc, ruộng đồng trống trải, tổ chức ngụy trang, giấu quân, đào công sự... Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chính trị, xây dựng quyết tâm chiến đấu, học tập 7 lời căn dặn của Bác Hồ, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy.
Đêm 30, rạng ngày 31/01/1968, tức đêm mồng 1 Tết Mậu Thân (theo lịch miền Nam), quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở nhiều thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Tại Sài Gòn - Gia Định, bộ đội đặc công, biệt động đồng loạt tiến công các cơ quan đầu não quan trọng nhất của Mỹ - ngụy như Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập của tổng thống ngụy quyền, Bộ tổng tham mưu ngụy, Biệt khu Thủ đô, đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất...Trong khi đó các sư đoàn chủ lực Miền tiến công các căn cứ quân sự, sở chỉ huy các sư đoàn quân Mỹ – ngụy ở vòng ngoài; kiềm chế, ngăn chặn không cho địch đưa lực lượng về cứu nguy cho nội thành.
Trung đoàn 1 được giao nhiệm vụ tiến công trung tâm huấn luyện Quang Trung của địch, trung tâm huấn luyện Quang Trung là căn cứ quân sự lớn của Mỹ - ngụy, nằm cách nội thành Sài Gòn hơn 10km về phía tây bắc. Ở đây địch có 16.000 tân binh, xung quanh căn cứ có hệ thống bố phòng cẩn mật và nhiều căn cứ không quân, trận địa pháo binh yểm trợ. Đồng chí Nguyễn Văn Sơ, Phó chính ủy Trung đoàn trực tiếp đi cùng Đại đội 12, đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 3 đi trước đội hình Trung đoàn.
Ngày 31/01/1968, Đại đội 12 luồn lách qua tuyến phòng thủ của địch ở vùng ven, áp sát mục tiêu trong khi đại bộ phận đơn vị chưa đến kịp. Đồng chí Sơ quyết tâm cho bộ đội nổ súng đúng giờ quy định để phối hợp chung toàn chiến trường, trận đánh diễn ra ác liệt suốt 5 giờ. Kết quả: 300 tên địch bị tiêu diệt, trung tâm huấn luyện bị phá hủy. Với lực lượng rất chênh lệch, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 12/ Tiểu đoàn 3 đã trụ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Phó Chính ủy trung đoàn Nguyễn Văn Sơ vừa động viên các chiến sĩ, vừa tổ chức chỉ huy chiến đấu, giữ vững trận địa và cầm súng đánh giặc như một chiến sĩ và đã anh dũng hy sinh.
Địch phản ứng dữ dội, chúng tung lực lượng từ Thới Tam Thôn (Hóc Môn) ra chi viện, giải tỏa, Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 1 chuyển sang đánh địch chi viện. Sau 10 ngày chiến đấu liên tục (từ ngày 4 đến 13/02/1968) lực lượng địch hơn hẳn ta về xung lực, lại được sự chi viện tối đa của xe tăng và pháo binh; nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, táo bạo, linh hoạt; được sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân địa phương, từ tiếp tế lương thực, tải thương, tải đạn, nuôi giấu thương binh, chôn cất tử sĩ, cung cấp tình hình địch..., đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết thúc đợt một Tổng tiến công, Trung đoàn 1 đã loại khỏi vòng chiến đấu 856 tên, bắn rơi 23 máy bay, bắn hỏng 56 xe quân sự, phá hủy 2 khẩu pháo, thu 115 súng các loại.
Trung đoàn 2 có nhiệm vụ chốt chặn trên đường số 22 qua xã Tân Phú Trung, huyện Hóc Môn (nay là huyện Củ Chi), ngăn chặn sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù, không cho địch đưa lực lượng về Sài Gòn. Tiểu đoàn 4 được giao nhiệm vụ chốt giữ đường số 22 trên khu vực xã Tân Phú Trung, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 đã kiên cường chốt chặn, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Có ngày, từ 3 giờ sáng đến 6 giờ chiều, địch huy động 170 lượt chiếc xe tăng, xe bọc thép, mở liên tiếp nhiều đợt phản kích. Bom, pháo địch phá nát các vườn cây, trái; phá hủy nhiều nhà dân, giết chết hàng chục dân thường;14 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của Tiểu đoàn 4, địch không giải tỏa được đường số 22 cho đến khi có lệnh của trên, Tiểu đoàn mới rút khỏi trận địa.
Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 phối hợp với du kích địa phương, diệt và bức hàng một số đồn bảo an, dân vệ ở vùng ven căn cứ Đồng Dù; bị ta uy hiếp mạnh, địch trong căn cứ Đồng Dù gọi máy bay đến ném bom và liên tục bắn pháo vào các khu vực nghi ngờ có bộ đội ta. Có ngày trận địa Tiểu đoàn 5 bị trúng bom địch, 70 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 5 đã dựa vào sự giúp đỡ của cấp ủy đảng và nhân dân địa phương để mai táng tử sĩ, đưa thương binh về tuyến sau, đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, ác liệt, kiên quyết giữ vững trận địa. Phát hiện địch tập trung chuẩn bị mở cuộc phản kích lớn, Chỉ huy Tiểu đoàn hội ý với cấp ủy đảng địa phương tổ chức cho nhân dân sơ tán, lực lượng của Tiểu đoàn kiên quyết trụ lại đánh địch. Với quyết tâm và sự nhất trí cao, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã phân công nhau xuống từng tiểu đội, quán triệt quyết tâm đến từng chiến sĩ, đồng thời tổ chức bộ đội đào đắp công sự, bố trí lại lực lượng sẵn sàng đánh địch. Ngày hôm sau, trận đánh diễn ra ác liệt từ sáng sớm, sau mỗi lần phản kích bị đánh bật ra, địch lại gọi máy bay, pháo binh bắn phá trận địa. Nhiều công sự bị phá hủy, nhà dân bị cháy, cây cối bị gẫy gập; nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhưng địch không đột phá được trận địa của Tiểu đoàn 5.
Cùng thời gian, trên hướng bắc, đông bắc Sài Gòn, Trung đoàn 3 do Trung đoàn trưởng Chín Mây và Chính ủy Hai Hêm chỉ huy tiến công chi khu quân sự Thủ Đức, Tổng kho Long Bình và khu vực cầu Băng Ky (Bình Thạnh), đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy.
Trên hướng Sư đoàn 7
Ngày 15/01, đồng chí Nguyễn Thế Bôn, Sư đoàn trưởng và đồng chí Vương Thế Hiệp, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đi nhận nhiệm vụ ở Bộ Chỉ huy Miền về, tiến hành hội nghị Đảng ủy Sư đoàn. Đảng ủy quán triệt và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Quân ủy Miền giao: Vừa duy trì hoạt động thường xuyên, vừa lãnh đạo chỉ huy bộ đội làm công tác chuẩn bị và cử cán bộ đi nghiên cứu địa bàn tác chiến ở đông - bắc thị xã Thủ Dầu Một: “Mọi công tác chuẩn bị phải xong trước ngày 25 tháng 01 năm 1968”, “…Tuyệt đối giữ bí mật, tạo ra bất ngờ lớn nhất đối với địch”.
Ngày 24/01/1968, Sư đoàn được lệnh hành quân. Nhiều đồng chí chưa lành vết thương, chưa cắt cơn sốt rét vẫn đòi ra trận; quân số chiến đấu tăng lên 20 - 25% so với dự kiến, đại đội bộ binh lên 80 đến 100 đồng chí, đại đội hỏa lực, phục vụ đều trên dưới 100 đồng chí.
Đêm 30/01/1968 - đêm giao thừa Tết Mậu Thân, khi toàn Miền nổ súng tiến công thì Đại đội 100 Đặc công của Sư đoàn cùng một bộ phận Phân khu 1 đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy trung đoàn 8 (sư đoàn 5) ngụy ở Bến Cát.
Ở vòng ngoài, Trung đoàn 141 ngăn chặn trung đoàn 11 tăng thiết giáp; bao vây thu hút địch ở phía bắc Sài gòn. Đêm 5 tháng 2, Tiểu đoàn 2 tập kích cụm cơ giới Mỹ ở bắc Bầu Bàng. Ngày 6 tháng 2, địch đổ một tiểu đoàn thuộc chiến đoàn 7 (sư đoàn 5 ngụy) xuống lộ đỏ Phú Hưng. Chớp thời cơ, Trung đoàn trưởng Doãn Khiết hội ý Ban chỉ huy Trung đoàn rồi chỉ huy Tiểu đoàn 1 (tăng cường) tập kích, tiêu diệt gọn tiểu đoàn ngụy ngay trong đêm. Sáng ngày 7 tháng 2, địch đổ một tiểu đoàn Mỹ thuộc sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” xuống cách nơi tiểu đoàn ngụy vừa bị diệt 1km; gần sáng ngày 8 tháng 2, Tiểu đoàn 2 và các đại đội hỏa lực Trung đoàn tập kích, tiểu đoàn Mỹ này bị thiệt hại nặng.
Ngày 12/02/1968, tại Sở chỉ huy Sư đoàn, đồng chí Lê Văn Tưởng, Chủ nhiệm chính trị Miền giao nhiệm vụ: “Sư đoàn 7 bằng mọi cách nhanh chóng phát triển xuống vùng ven, cùng với Phân khu 5 lập thành một mặt trận đánh địch, chủ yếu ở nam, bắc thị xã Thủ Dầu Một, nhằm kéo địch từ Sài Gòn lên, giảm sức ép của chúng đối với các đơn vị đang chiến đấu ở nội thành”.
Quán triệt tinh thần nhiệm vụ; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định sử dụng Trung đoàn 165 đánh xuống và đứng chân ở nam thị xã, Trung đoàn 141 áp sát bắc thị xã. Trong hai ngày 15 và 16/02/1968, toàn bộ đội hình Trung đoàn 141 chuyển xuống đứng chân ở khu vực An Hòa, An Lợi. Tại đây, các chiến sĩ được bà con, cô bác đón tiếp niềm nở, đầm ấm như những người thân đi xa lâu ngày mới về. Nhân dân cung cấp cho bộ đội về hoạt động của địch, các tổ dân quân dẫn đường cho cán bộ đi trinh sát thực địa.
Đêm 17 tháng 2, được hỏa lực Trung đoàn chi viện, Tiểu đoàn1 tập kích vào Sở Gà (bắc thị xã 4km) đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn (thiếu) ngụy. Ngày hôm sau, địch đưa bộ binh và xe tăng thiết giáp ra phản kích; khi đội hình chủ yếu của địch lọt vào trận địa của Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn trưởng lệnh các loại hỏa lực của tiểu đoàn cùng với hỏa lực của Trung đoàn bắn cấp tập. Đội hình địch bị rối loạn, toàn Tiểu đoàn đồng loạt xung phong; bị đánh bất ngờ, địch bỏ chạy về phía sau.
Những ngày tiếp sau, Trung đoàn 141 liên tục đánh địch phản kích. Các chiến sĩ Đại đội 3/ Tiểu đoàn 1 chiến đấu ngoan cường suốt ba ngày trên đồi An Lợi, đánh lùi gần 20 đợt tiến công của nhiều tiểu đoàn địch có xe tăng, xe bọc thép đi cùng. Nổi bật là tấm gương Đại đội trưởng Đào Văn Viêm, đã mưu trí, linh hoạt chỉ huy đơn vị đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Trung đoàn 141 tập kích Sở Gà lần hai, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch, làm địch lúng túng đối phó và liên tiếp bị đánh ở Sở Ông Đông, gò Cây Me, An Lợi, Bưng Cầu.
Những ngày này, Trung đoàn 165 chuyển hết lực lượng sang đông đường 13, Trung đoàn được bổ sung gạo, đạn để thọc xuống phía nam. Đêm 3 tháng 3, được lực lượng địa phương giúp đỡ, Tiểu đoàn 6 đã luồn lách xuống Lái Thiêu. Vừa tới nơi, được cơ sở báo có một tiểu đoàn ngụy đi càn về, đang cụm tại trường Cộng Đồng trong thị trấn Búng, đông nam thị xã Thủ Dầu Một 6km. Ngay trong đêm 3 rạng ngày 4, Tiểu đoàn đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2 (-)/ trung đoàn 8 và 1 đại đội của tiểu đoàn3/ trung đoàn 7 thuộc sư đoàn 5 ngụy có cố vấn Mỹ đi cùng và 1 trung đội dân vệ thị trấn Búng; diệt khoảng 500 tên, phá hủy 2 xe bọc thép, 2 xe Zép, 2 súng cối 61 mm, thu 1 khẩu Cacbin.
Hai ngày sau, toàn bộ Trung đoàn 165 xuống trụ vững Lái Thiêu: Tiểu đoàn 4, sau trận phục kích ở nam Búng đã kiên cường bám trụ An Sơn, An Thạnh, bẻ gãy các đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa; Tiểu đoàn 6 luồn lách xuống Thạch Quý, diệt gọn một đại đội địch; Tiểu đoàn 5 xuống nam Lái Thiêu, đánh địch ở Phú Long, Vĩnh Phú (bắc Sài Gòn 12 km). Nổi bật là Đại đội 6, liên tiếp bốn ngày đánh địch phản kích, đánh thiệt hại nặng một đại đội và ba trung đội khác của địch.
Đến cuối tháng 3 năm 1968, qua gần hai tháng Tổng tiến công và nổi dậy đợt một trên toàn Miền Nam, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Cùng với thắng lợi của quân dân miền Bắc, buộc Giôn-xơn phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa) trở vào và cử đại diện sang đàm phán với Chính phủ ta tại Pa-ri. Ở miền Nam, chúng đưa ra biện pháp chiến lược “quét và giữ”, thay thế cho biện pháp “tìm diệt” đã bị phá sản hòng giành lại đất đai đã mất và bắt đầu tính tới việc “phi Mỹ hóa” chiến tranh.
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đến nay đã 50 năm, các đơn vị tiền thân của Quân đoàn đã lập nên những chiến công oanh liệt nhưng kèm theo bao mất mát hy sinh. Những chiến công của cha ông ta thời kỳ Mậu Thân 68 đã đi vào lịch sử; đây là nguồn tư liệu quý giá, cung cấp, bổ sung, phục vụ cho nghiên cứu các công trình Khoa học lịch sử quân sự và Nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời là những cứ liệu phản bác các quan điểm, luận điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận các sự kiện lịch sử, vai trò của quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Trên cơ sở các nguồn tư liệu; cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường giáo dục truyền thống; động viên cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên đóng góp trí tuệ và công sức nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.


                                                                                                P.V.D

No comments:

Post a Comment