HỌC TẬP, RÈN LUYỆN THEO PHONG CÁCH CỦA BÁC
ĐỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HOÀN THIỆN MÌNH
Đại tá LÊ TRỌNG NGHĨA
Chính
ủy Cục Kỹ thuật
Chủ tịch Hồ Chí Minh là
tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức, về phong cách của người đảng viên cộng
sản, suốt đời vì nước, vì dân. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để lại
dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển của nhân loại nói chung, của cách
mạng Việt Nam nói riêng. Để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân
giao cho thì việc học tập, rèn luyện, làm theo phong cách của Người là một yêu
cầu rất cao đối với cán bộ, đảng viên. Học tập, rèn luyện, làm theo phong cách
của Hồ Chí Minh sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên hoàn thiện mình, và đó cũng là sự
cam kết để chúng ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực tiễn trong một
thời gian dài vừa qua, đa số cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tự tu dưỡng, học
tập, rèn luyện, làm việc theo phong cách của Bác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
được giao, được nhân dân tin yêu. Tuy nhiên, kiểm điểm lại quá trình lãnh đạo
cách mạng, đã có không ít cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp
luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, trong số đó có nhiều đồng chí là cán bộ cấp
cao. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của không ít cán bộ, đảng viên có cả
nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính. Một trong những
nguyên nhân chủ quan đó là một số cán bộ, đảng viên không chịu học tập, rèn
luyện, làm theo phong cách của Bác; mặt khác tổ chức có thẩm quyền thì không
kịp thời kiểm tra, phát hiện để chấn chỉnh, cho nên nhiều cán bộ, đảng viên vi
phạm tư cách, vi phạm pháp luật, kỷ luật đến mức phải xử lý, trong đó có cả
những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên, một
giải pháp rất quan trọng đó là chúng ta phải tự giác học tập, rèn luyện, làm
theo phong cách của Bác để giúp cho cán bộ, đảng viên hoàn thiện mình, và đó
cũng là sự cam kết để chúng ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để
học tập, rèn luyện, làm theo phong cách của Hồ Chí Minh có hiệu quả, cán bộ,
đảng viên cần tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, trước yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4 (cuộc
cách mạng 4.0), đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải học phong cách tư duy của Bác để
đề xuất những chủ trương, giải pháp thiết thực nhằm góp phần thực hiện thắng
lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế
Trong suốt những năm
tháng bôn ba khắp thế giới để học tập, nghiên cứu, Người không ngừng quan sát,
nhận xét thực tiễn, tiếp thu những cái mới để làm phong phú sự hiểu biết của
mình. Nét đặc sắc nhất trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tính độc lập, tự
chủ, sáng tạo. Cơ sở của tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đó là quan
điểm thực tiễn được thể hiện một cách sinh động trong phong cách tư duy của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, Người lấy nhu cầu, đặc điểm thực tiễn của đất nước cùng với
xu thế phát triển của thời đại làm định hướng cho tư duy và hành động.
Hiện nay, Đảng, Nhà
nước, nhân dân ta tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa,
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc
tế, vừa xây dựng, vừa bảo vệ đất nước trong xu thế cuộc cách mạng 4.0 đã hiện
hữu trên tất cả các lĩnh vực. Để đất nước to lớn hơn, đàng hoàng hơn, sánh vai
với các cường quốc năm châu theo di nguyện của Bác thì hơn ai hết, cán bộ, đảng
viên, những người có vai trò tiên phong phải học Bác về phong cách tư duy. Để
có đề xuất vượt trội, trước hết cán bộ, đảng viên (nhất là cán bộ, đảng viên
giữ cương vị chủ trì, chủ chốt ở các cấp) phải nắm chắc tình hình thực tiễn của
đất nước, nhu cầu bức thiết của cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân trên từng
vùng, miền, địa bàn; các quy luật của tự nhiên-xã hội; các quy luật kinh tế
trong đầu tư, phát triển; các lĩnh vực đời sống xã hội; các vấn đề về môi trường;
các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại...để nghiên cứu, đề xuất những
chủ trương, giải pháp mới mang lại hiệu quả cả về kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc
phòng-an ninh, đối ngoại....Các đề xuất phải mang tính toàn cục, vì lợi ích của
quốc gia, dân tộc. Từ những đề xuất đó, cán bộ, đảng viên phải cam kết để thực
hiện và chịu trách nhiệm trước những đề xuất của mình. Mặt khác, Đảng, Nhà nước
phải có cơ chế, chính sách cho cán bộ, đảng viên thực thi các đề xuất của mình;
đồng thời phải kiên quyết chống lợi ích nhóm, chống sân sau và các nhóm thân
hữu trong thực hiện các đề xuất của cán bộ, đảng viên.
Để có những đề xuất đột
phá chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ 3T (tâm, tầm, tài).
Để có đội ngũ cán bộ, đảng viên 3T, Đảng, Nhà nước phải tiến hành thi tuyển cán
bộ, đảng viên, công chức trên tất cả các lĩnh vực (không có ngoại lệ) và thông
tin rộng rãi những vị trí cần thi tuyển để nhân dân giám sát, kiểm tra việc thi
tuyển cán bộ, công chức. Thời gian qua dư luận phản ánh ở một số nơi còn “cả
nhà làm quan”, “5C: con cháu các cụ cả”, “6Ệ: tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại
lệ, đồ đệ, trí tuệ” điều đó làm cho những người tài thực sự không có đất để thi
thố tài năng. Thi cử phải khách quan, công tâm, tránh “đi đêm”, nếu “đi đêm” sẽ
thất bại; sau một thời gian “một nhiệm kỳ” phải thi tuyển lại, nếu đủ điều kiện
tiếp tục bổ nhiệm. Vừa qua một số cán bộ được tuyển chọn nhưng chưa đáp ứng
được yêu cầu phát triển của đất nước, khi kiểm tra thì tất cả số cán bộ đó đều
được lựa chọn đúng quy trình. Trên thực tế số cán bộ đó dù đúng quy trình nhưng
khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ lại không đáp ứng được. Từ thực tế đó, cấp
ủy các cấp phải thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng cán bộ, nếu không đủ
phẩm chất, năng lực hoặc vi phạm phải sa thải. Chỉ có như vậy mới lựa chọn được
đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có tài để tiếp nhận cuộc cách mạng 4.0, để xây
dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; để hội nhập quốc tế; để
xây dựng quân đội tiến lên hiện đại...
Hai
là, để đất nước phát triển và hội nhập, chúng ta phải học Bác về phong cách làm
việc dân chủ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh
đạo, cá nhân phụ trách
Sinh thời, Bác rất quan tâm đến phong cách
làm việc của cán bộ, đảng viên. Theo Bác, mỗi người có một phong cách làm việc
riêng. Đối với cán bộ, đảng viên đó là phong cách công tác, phong cách lãnh
đạo. Phong cách (tác phong) làm việc của Bác có rất nhiều nội dung rất phong
phú, đó là tác phong quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ, tác phong khoa
học. Một tác phẩm tiêu biểu về phong cách làm việc Người để lại cho chúng ta đó
là tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Nghiên cứu tác phẩm này và từ thực tiễn
cuộc đời của Người, chúng ta thấy phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là “nói
ít, làm nhiều, làm gương”. Người không dùng quyền lực của mình để buộc người
khác phục tùng, mà chỉ tuyên truyền, thuyết phục, nêu gương bằng một phong cách
làm việc vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính khoa học cao. Để sự nghiệp
cách mạng đi đến thành công, Hồ Chí Minh xác định phải có tập thể và phát huy
sức mạnh của tập thể; Người khẳng định: một người không thể hiểu hết được mọi
thứ, làm hết được mọi việc. Với phong cách làm việc tập thể, dân chủ nên Hồ Chí
Minh luôn tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái, đầy
sáng tạo của cán bộ, đảng viên và của mọi tầng lớp nhân dân.
Học và thực hiện phong
cách dân chủ của Người, cán bộ, đảng viên phải thực hiện toàn diện trên tất cả
các lĩnh vực đời sống xã hội (trừ những lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia), nhưng
trước hết phải thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ. Thời gian qua, chúng ta
đã tiến hành nhưng mới chỉ là hình thức, ta không phủ nhận việc lấy phiếu tín
nhiệm, nhưng lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên là một kênh thông tin tham khảo, và
nếu có lấy thì phải có nhiều phương án, không nên chỉ có một phương án, một
người, bổ nhiệm một người. Công tác cán bộ vừa qua có quá nhiều hình thức, đã
thực sự dân chủ chưa? chúng ta trả lời là chưa; vì vừa qua những sai sót trong
công tác cán bộ ở một số nơi đã chứng minh điều này. Vì vậy, học Bác ở phong
cách dân chủ phải từ công tác cán bộ “vì cán bộ là cái gốc của công việc”. Cấp
ủy, người chủ trì các cấp phải mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong bố
trí, sử dụng cán bộ; bởi vì dân chủ, công khai, minh bạch trong bố trí, sử dụng
cán bộ là biểu hiện của việc chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ
trong công tác cán bộ của Đảng. Mặt khác, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp
phải tạo điều kiện để cho đảng viên, quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội
tham gia theo dõi, kiểm soát, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đây
cũng là cơ sở quan trọng nhất để cấp ủy các cấp quy hoạch, bổ sung quy hoạch,
ngăn ngừa các tiêu cực trong công tác cán bộ.
Học Bác ở phong cách làm việc dân chủ, cán
bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt ở các cấp phải rèn luyện cho
mình tác phong gần dân, vì dân; lấy dân là mục tiêu, là động lực, là niềm vui
để công tác, để cống hiến; luôn đặt niềm vui, hạnh phúc của nhân dân lên trên
hết, trước hết. Trong công tác phải đi sâu, đi sát cơ sở; phải điều tra, khảo
sát, nắm chắc tình hình, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; nắm chắc nhiệm
vụ, chức trách, quyền hạn của mình; phát huy sức mạnh của tập thể; sử dụng và
phát huy vai trò của các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất trúng, đúng các
chủ trương, giải pháp cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc
phòng-an ninh; tăng cường mở rộng đối ngoại để thêm đối tác, hạn chế đối tượng
của cách mạng Việt Nam. Khi thực hiện chức trách, quyền hạn phải có mục đích rõ
ràng trong từng nhiệm vụ, phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần
chúng. Lênin đã chỉ rõ “lãnh đạo mà không kiểm tra, có nghĩa là không lãnh
đạo”. Khi làm việc, cán bộ, đảng viên phải có tác phong cụ thể, kịp thời, thiết
thực, có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm “chân đi, mắt thấy, tay làm,
tai nghe, óc nghĩ”. Lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện, cụ thể, làm đến nơi, đến
chốn, tránh làm qua loa, tránh phô hình thức; phải tiết kiệm sức lao động và tiền
của của nhân dân.
Ba
là, phải học Bác về phong cách diễn đạt để giúp cho nhân dân, cho cấp dưới dễ
đọc, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện
Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh đó là
những gì Người đã nói, đã viết cho các đối tượng bằng các tác phẩm ở những thời
kỳ khác nhau. Trong tác phẩm Sửa đối lối làm việc (1947), tác phẩm Cách viết
(1953), bài nói tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, bài nói tại
Hội nghị tuyên truyền miền núi (1958), cũng như các bài nói, bài viết khác đều
thấy rõ 4 vấn đề Bác nêu lên có liên quan chặt chẽ với nhau, đó là: Nói, viết
cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Đây là
những vấn đề có tính nguyên tắc, có tính định hướng cho việc nói và viết của
mỗi người, của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ chủ trì, chủ chốt.
Phong cách nói và viết của Hồ Chí Minh là chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản
dị, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Thực tế, một số ít cán bộ, đảng viên
khi viết bài (báo cáo) chưa chặt chẽ về bố cục, về ngữ pháp; khi phát biểu còn
lệ thuộc nhiều vào bài viết sẵn, không có tư duy tịnh tiến...dẫn đến người đọc,
người nghe rất nhàm chán.
Để học Bác về phong cách diễn đạt, cán bộ,
đảng viên phải xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ
đó tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, cho phù hợp với đối tượng, nhằm đạt
được mục đích đã đề ra. Vì vậy, khi viết, khi nói chúng ta phải lựa chọn câu,
từ làm sao cho trong sáng, giản dị, dễ hiểu; cách viết, cách nói phải ngắn gọn,
rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung; nội dung phải thiết thực, sát chủ đề,
sát với đối tượng. Chúng ta biết rằng, cách nói, cách viết chính là cách trình
bày ngôn ngữ; ngôn ngữ viết có thể sửa chữa, thay đổi; ngôn ngữ nói rất quan
trọng, nói sai là không có cơ hội sữa chữa; người xưa có câu “nhất ngôn ký
xuất, tứ mã nan truy”, xe 4 ngựa không nhanh bằng lời nói, sa chân còn rút lại
được, chứ lỡ miệng, lời đã nói ra làm sao thu lại được; vì vậy chúng ta phải
chú ý rèn luyện cách nói làm sao cho ngắn gọn, chặt chẽ, trong sáng, đúng ngữ
pháp tiếng Việt; tục ngữ có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, vì vậy nói
chúng ta cũng phải học. Chúng ta phải quyết tâm cải cách hành chính, phải giảm
bớt văn kiện, giấy tờ, báo cáo. Tích cực cải tiến văn phong trong nói và viết.
Bốn
là, với trách nhiệm của mình, cán bộ, đảng viên thường xuyên tiếp xúc với quần
chúng nhân dân, vì vậy chúng ta phải học phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh để
xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân
Trong cuộc đời hoạt động phong phú của
mình, Hồ Chí Minh đã giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, từ người dân lao
động bình thường, các cháu thiếu niên, nhi đồng đến những chính khách, nguyên
thủ quốc gia và cả những đối thủ của mình; thông qua giao tiếp, Người đã để lại
trong tâm trí của họ những ấn tượng hết sức sâu sắc về phong cách ứng xử. Phong
cách ứng xử của Bác mang tầm nghệ thuật cao, gần như hoàn thiện, làm cho mọi
người khi gặp Người đều cảm nhận thấy đầy đủ cái đẹp của cuộc sống cũng như cái
cao thượng của nhân cách con người. Chúng ta biết rằng, ứng xử chỉ có trong
giao tiếp, được thể hiện bằng ngôn ngữ, cử chỉ, dáng điệu, phong thái, phong độ
của chủ thể đối với bản thân mình trong quan hệ với đối tượng. Phong cách ứng
xử bắt nguồn từ nhân cách, từ cuộc đời của chủ thể. Chính nhân cách lớn của Hồ
Chí Minh đã tạo ra phong cách ứng xử “tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, chủ
động, linh hoạt, ân cần, tế nhị” của Người đối với mọi người. Phong cách ứng xử
của Hồ Chí Minh đã làm cho bất cứ ai khi đã gặp Người thì đều thấy thoải mái,
tự nhiên, xua tan đi mọi sự e ngại hay sợ sệt.
Thực tế trong thời gian qua, một bộ phận
cán bộ, đảng viên luôn có thái độ hách dịch khi giao tiếp, quan hệ với nhân
dân; việc sách nhiễu, gây khó cho dân đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương,
trên tất cả các lĩnh vực (kinh doanh, buôn bán, nhận xét vào lý lịch, xin giấy
chứng tử cho người thân...). Trong dịp dự Lễ khai giảng năm học 2017 với Học viện
hành chính Quốc gia (sáng ngày 18/10/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát
biểu, chỉ ra những bất cập trong công tác hành chính của đội ngũ cán bộ, công
chức “bây giờ hệ thống của chúng ta có nhiều vấn đề phức tạp, người dân họ kêu,
phê bình chúng ta quá”. Trước những vấn đề đó, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên,
công chức phải tự học tập và làm theo phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh để góp
phần xây dựng nền hành chính công vụ theo tư tưởng “dân là gốc”, “chính quyền
là của dân, tất cả vì dân, do dân” của Bác. Khi tiếp xúc với nhân dân, dù người
dân đó là ai, cán bộ, đảng viên cũng phải khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, chân
tình, nồng hậu, tự nhiên, linh hoạt, chủ động, biến hóa để đối xử, để giải
quyết công việc. Sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp...phải bắt đầu từ lời chào
hỏi chân tình, từ nụ cười tự nhiên, từ cái bắt tay chân tình...kể cả khi ở công
sở hay khi gặp trên đường, có như vậy mới tạo ra không khí chan hòa, gần gũi
giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.
Năm
là, cán bộ, đảng viên phải thật tự giác học tập, rèn luyện bản thân mình theo
phong cách sống của Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm chính.
Sinh thời, Bác Hồ sống rất mực giản dị,
thanh cao, đạm bạc trong đời sống vật chất, nhưng lại vô cùng phong phú về
những giá trị đạo đức-tinh thần; chứa chan tình yêu thương con người, yêu cuộc
sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp với những rung động, nhạy cảm của một tâm
hồn nghệ sĩ. Phong cách sống của Bác được thể hiện cả trong lời nói, việc làm
và xuyên suốt cả cuộc đời từ khi bôn ba tìm đường cứu nước cho đến khi là lãnh
tụ của Đảng, là Chủ tịch nước.
Thực tế trong cuộc sống thời gian qua, một
bộ phận cán bộ, đảng viên khi có chức, có quyền thì tự cho mình là ông hoàng,
bà chúa; luôn tìm của ngon, vật lạ, ăn mặc, nói năng trái với thuần phong, mỹ
tục của dân tộc; và chính sự cuồng vọng của một số cán bộ, đảng viên về quyền
lực nên dẫn đến tha hóa về nhân cách sống, chỉ biết mình, không biết người
khác, sống vô cảm trước cảnh phá rừng, khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt;
lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, làm lãng phí nguồn lực quốc gia....Trước
tình hình đó, Đảng đã ban hành nghị quyết về phòng chống tham nhũng, thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí; Nhà nước đã ban hành luật về phòng chống tham nhũng,
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các văn bản pháp luật về quản lý tài
nguyên....Hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong chấp
hành pháp luật về chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong
quản lý, sử dụng tài nguyên, tài chính cho việc hoạch định chính sách kinh
tế-xã hội; trong đề xuất đầu tư các hạng mục, công trình quốc kế dân sinh...;
trong sinh hoạt đời thường phải tự mình và cùng người thân thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí ở mọi lúc, mọi nơi. Mặt khác, cán bộ, đảng viên phải cùng ăn,
cùng ở, cùng làm, cùng bàn bạc, cùng chia sẻ với nhân dân. Một vần đề nữa rất
quan trọng, đó là muốn dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ, đảng viên phải tự
mình siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, trung thực, chân thành.
Học tập, làm theo phong cách của Bác Hồ là
một yêu cầu rất cao của mọi người, nhất
là cán bộ, đảng viên, trọng tâm là cán bộ, đảng viên giữ cương vị chủ trì, chủ
chốt ở các cấp; và chỉ có thực hiện tốt việc học tập, rèn luyện, làm theo phong
cách Hồ Chí Minh thì chúng ta mới thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước và chỉ có như thế thì chúng ta mới xây dựng và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mới trở thành hiện thực. Và đó cũng là sự
cam kết của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,
khóa XII)./.
L.T.N
No comments:
Post a Comment