TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ SỐ 22
THỰC HIỆN TỐT
NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO SINH
VIÊN
Thượng tá,
KSC NGUYỄN
ĐỨC THANH
Trưởng
khoa Công nghệ ô tô/ Trường CĐ nghề số 22
Ngày nay, trong
công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước và hội
nhập quốc tế. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước rất
coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ XII đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2016-2020) đó
là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát
huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục – đào tạo và khoa học, công nghệ
đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”. Như vậy, giáo dục - đào tạo có nhiệm vụ quan trọng là nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
Quán triệt
quan điểm, tư tưởng trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, Đảng
ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn xác định: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và
giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường là nhiệm vụ quan
trọng hàng đầu, có ý nghĩa sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển đối
với Nhà trường. Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, Nhà
trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng đào tạo gắn với việc làm, đào tạo với
sử dụng, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nhà trường thường xuyên giao lưu và hợp
tác với các chủ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn và các
khu công nghiệp lớn của các tỉnh thành, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo. Thông
qua đó, Nhà trường lắng nghe, tiếp nhận sự đánh giá, góp ý từ các nhà sử dụng
sản phẩm do Nhà trường đào tạo, để từ đó tổ chức rút kinh nghiệm trong quá
trình dạy nghề, tổ chức xây dựng, biên soạn chương trình đào tạo cho phù hợp. Đây
là cách thức rất hiệu quả để Nhà trường nắm được nhu cầu thực tế, từ đó bổ
sung, điều chỉnh kiến thức chuyên môn cũng như tư chất, đạo đức và các kỹ năng
khác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường
đổi mới mạnh mẽ, triệt để phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá.
Các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá được tổ chức tập huấn,
chia sẻ định kỳ ở các cấp độ khác nhau, toàn trường, khoa. Giảng viên sử dụng
các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, phù hợp với nội dung giảng dạy,
giảng dạy tích hợp các kỹ năng công việc (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cộng
tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề…) đã tạo cho người học phong cách chủ động,
học tập mọi lúc, mọi nơi, tự lập kế hoạch học tập, phát huy khả năng học tập
suốt đời và phù hợp với yêu cầu liên tục tự cập nhật, nâng cao trình độ chuyên
môn và văn hóa làm việc của con người trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng mạnh mẽ
công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành hệ thống đào tạo giúp tiết kiệm rất
nhiều nguồn lực của giáo viên và sinh viên. Đổi mới mạnh mẽ về kiểm tra, đánh
giá cũng tác động không nhỏ đến tỷ lệ việc làm nhờ thông qua đánh giá, thiết
lập được các kỹ năng cần thiết cho sinh viên, nhất là kỹ năng học liên tục, học
cả đời để thích ứng với cách làm việc của doanh nghiệp.
Các khoa
trong trường luôn chủ động tổ chức các học phần tại các doanh nghiệp, gửi sinh
viên đến doanh nghiệp học tập hoặc mời chuyên gia đến trường để giảng dạy,
chuyển giao các công nghệ mới, dạy kỹ năng mềm, tập cho sinh viên có tác phong
và kỷ luật công nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Áp dụng chặt chẽ các
quy tắc khi vào làm việc tại các xưởng thực tập, yêu cầu học viên chấp hành
nghiêm, mục đích chính là tạo cho người học thói quen tiết kiệm chi phí trong
sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi
trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn
và chất lượng sản phẩm.Thực tập xí nghiệp được triển khai rộng rãi ở tất cả các
khoa.
Nhà trường
tạo ra rất nhiều các loại hình thức dịch vụ tư vấn hỗ trợ sinh viên. Hỗ trợ
sinh viên nghèo có việc làm ngay để cải thiện đời sống sinh hoạt bằng hàng loạt
các hoạt động như: Tạo điều kiện cho các em đi làm thêm tại các công ty, dịch
vụ, cửa hàng ăn uống, bảo trì, sửa chữa xe gắn máy, thay nhớt, rửa xe, cà phê,
sửa chữa máy tính…Các khoa trong Nhà trường cùng với Ban Chính trị - Quản lý
sinh viên và Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức nhiều hoạt động cho sinh
viên, giúp sinh viên trong học tập, rèn luyện và nâng cao khả năng tự học và
học nhóm. Ngoài ra Nhà trường luôn quan tâm thực
hiện việc tổ chức liên kết đào tạo; những năm vừa qua, đã thực hiện liên kết,
đào tạo các ngành nghề như: Cơ khí, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, y sỹ - dược
sỹ và điều dưỡng cộng đồng. Thông qua các hình thức liên kết đào tạo giữa Nhà
trường với các cơ sở, doanh nghiệp mà chương trình đào tạo của Nhà trường luôn
được điều chỉnh, cập nhật được cái mới, hiện đại hơn, thích ứng hơn với trình
độ công nghệ mới, nâng cao được năng lực cạnh tranh, tính sáng tạo của sinh
viên, giải quyết tốt mối quan hệ giữa khối lượng kiến thức và thời gian
đào tạo, phù
hợp với yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Các cơ sở thực tế ngoài việc đầu tư
hỗ trợ cho Nhà trường trong công tác đào tạo còn tham gia trực tiếp vào việc
xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo của Nhà trường. Nhờ
vậy, khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của Nhà trường và các yêu cầu thực tế
của các nhà tuyển dụng được thu hẹp nhờ sinh viên tốt nghiệp ra trường có kiến
thức, kỹ năng phù hợp với các yêu cầu nhà tuyển dụng. Người học được đào tạo đủ
tất cả các phẩm chất cần có, từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm làm
việc nhóm, làm việc với cộng đồng và ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn
nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp. Cấu trúc
chương trình đào tạo của tất cả các ngành bắt buộc sinh viên phải trải qua thực
tập tại trường và ở các doanh nghiệp. Giải pháp này giúp các em tốt nghiệp ra
trường có kỹ năng thực hành thành thạo, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Nhà
trường luôn đặt mục tiêu hàng đầu là người học ra trường có việc làm đúng ngành
nghề, trong thời gian sớm nhất hoặc có thể ngay khi còn ngồi trên ghế nhà
trường. Đây cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu của Nhà trường trong suốt những
năm qua. Nhờ có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà trường với các doanh nghiệp, nên sau
khi tốt nghiệp ra trường, học viên được các nhà tuyển dụng của các công ty, xí
nghiệp đến nhận và ký kết hợp đồng lao động. Hiện nay có hàng ngàn học viên đã
ra trường đang làm việc tại các công ty lớn như: Công ty ô tô Trường Hải (chi
nhánh Bình Dương), Công ty ô tô An Xương/ thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Toyota Bình Dương, Công ty điện Việt
Phát, Công ty TNHH Đại Phong Vĩ, Công ty cơ khí Sóng thần, Công ty Li-ma-di-co
Nhơn Trạch (Đồng Nai)…Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Nhà trường được
thống kê trong 2 năm gần đây đạt con số cao. Kết quả khảo sát năm 2015, tỉ lệ
sinh viên đã có việc làm ổn định là 57%, năm 2016 tỉ lệ sinh viên có việc làm
ổn định là 62%. Đặc biệt, đối với Khoa Điện, tỉ lệ sinh viên đã có việc làm sau
khi tốt nghiệp là 75% và Khoa Cơ khí, tỉ lệ sinh viên có việc làm trên 90%, thu
nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 8 đến 12 triệu đồng/ người. Từ năm 2014 đến nay,
đã có hàng trăm học viên ra trường được ký hợp đồng xuất khẩu lao động đến các
nước Nhật Bản, Hàn Quốc với mức lương từ 30 – 40 triệu đồng/tháng.
Để đạt
được tỷ lệ sinh viên có việc làm cao và ổn định như trên, Nhà trường đã triển
khai rất nhiều các giải pháp đồng bộ như: Bảo đảm chất lượng từ việc thực hiện
xét tuyển thí sinh đăng ký đầu vào, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, dịch
vụ, phục vụ sinh viên, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp...
Nâng
cao chất lượng đào tạo và bảo đảm tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường cao
là yêu cầu bắt buộc, sống còn của Nhà trường. Việc đảm bảo chất lượng đào tạo
nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm đó chính là cái đích đến của Nhà
trường. Vì vậy, thời gian tới, Đảng ủy – Ban giám hiệu Nhà trường trường đang
tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, xây dựng Nhà trường vững mạnh và là
nơi có địa chỉ tin cậy giải quyết việc làm cho người lao động./.
N.Đ.T
No comments:
Post a Comment