Monday, April 22, 2019


KINH NGHIỆM QUẢN LÝ TƯ TƯỞNG CHIẾN SĨ MỚI
CỦA CHÍNH TRỊ VIÊN ĐẠI ĐỘI
Nguyễn Văn Toàn
Trung đoàn 2, Sư đoàn 9

Để có định hướng và thực hiện tốt nội dung công tác tư tưởng đối với thanh niên mới nhập ngũ vào môi trường Quân đội, thì biện pháp nắm và quản lý tình hình tư tưởng của cán bộ các cấp, đặc biệt là chính trị viên có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, chỉ huy đơn vị. Bởi vì chính trị viên đại đội là người chủ trì về công tác đảng, công tác chính trị và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ đảng các cấp về tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình. Có thể nói, chính trị viên đại đội là linh hồn của đơn vị dung hoà các mối quan hệ tạo nên sự đoàn kết nhất trí cao đối với cán bộ, chiến sĩ. Trong giải quyết các vấn đề, chính trị viên thường lấy giáo dục thuyết phục làm chính bởi vậy họ được coi như là người anh, người chị, người bạn của chiến sĩ.
Thực tế ở đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, chiến sĩ trong đại đội hầu hết là những thanh niên vừa mới rời ghế nhà trường được tuyển chọn vào đơn vị, khi bước chân vào quân ngũ còn bỡ ngỡ trước mọi công việc. Trong khi đó, quân đội là môi trường có cường độ học tập, huấn luyện và yêu cầu rèn luyện rất cao, kết hợp các chế độ quy định rất chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh. Vì vậy, những ngày đầu nhập ngũ về đơn vị, chiến sĩ rất dễ có tư tưởng (chán ngán) ngại rèn luyện chưa thực sự yên tâm công tác.  Đồng thời, do đặc điểm tâm sinh lý đang ở giai đoạn tiếp tục củng cố, hoàn thiện nên họ dễ bị kích động, dễ dẫn đến vi phạm kỷ luật. Để nắm chắc và quản lý tốt tư tưởng của chiến sĩ mới không chỉ một sớm, một chiều mà phải thường xuyên sâu sát, tỷ mỷ trong phân tích, nhận định, đánh giá tư tưởng của từng chiến sĩ...Từ thực tiễn quản lý tư tưởng chiến sĩ mới rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Trước hết, Chính trị viên đại đội cần tiếp cận và phải thực sự gần gũi với chiến sĩ mới, có tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, gương mẫu trong lời nói và việc làm: Đây là công việc đầu tiên phải làm của Chính trị viên khi tiếp nhận chiến sĩ mới về đơn vị để tổ chức quản lý, huấn luyện. Đồng thời phải có cách nhìn khách quan, tổng thể, đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của từng đối tượng để gần gũi, thông cảm và tạo điều kiện giúp đỡ họ. Sự gần gũi của người chính trị viên sẽ tạo nên môi trường thân thiện, xoá đi sự khác biệt giữa (lính cũ với lính mới) sự cách biệt giữa cán bộ với chiến sĩ và tâm lý lo âu, chán nản khi mới nhập ngũ về đơn vị. Sự gần gũi của chính trị viên đối với chiến sĩ phải xuất phát từ cái tâm, đó là phải thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của quân nhân. Động viên, khích lệ kịp thời những chiến sĩ gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống kể cả những chiến sĩ có thành tích cao trong khi tham gia các hoạt động của đơn vị. Biết chia sẻ khi người chiến sĩ gặp khó khăn, hoạn nạn, trong khi giải quyết các vấn đề phải giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý nhưng vẫn giữ đúng nguyên tắc và quy định của đơn vị. Khi đã thực sự gần gũi với chiến sĩ bằng cả tình thương và trách nhiệm của mình với đồng chí đồng đội, thì việc nắm tư tưởng của quân nhân sẽ có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo cho chiến sĩ tâm lý tự tin khi gặp cán bộ, thậm chí có nhiều trường hợp chiến sĩ tự tìm gặp cán bộ để thổ lộ tâm tư, nguyện vọng. Đây là lời tâm sự chân thành mộc mạc nhất giúp chính trị viên mắn bắt kịp thời tư tưởng của họ và thông qua đó khai thác và nắm bắt tư tưởng của những chiến sĩ xung quanh.
Để chiến sĩ thực sự tin tưởng thì bản thân người chính trị viên phải thực sự gương mẫu, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, trong cuộc sống phải vô tư, xử lý công việc phải công bằng, công tâm, không thiên vị, không cục bộ địa phương, trù dập, lời nói phải đi đôi với việc làm, xứng đáng là người (cầm cân nảy mực). Do tính đặc thù của đối tượng cần nắm và quản lý tưởng có nhiều thành phần trong cùng một đơn vị, vì vậy mọi việc làm của người cán bộ cần phải bảo đảm yếu tố hài hòa, thấu tình đạt lý, mỗi đội tượng nên có cách tiếp cận khác nhau để tránh hiện tượng so bì, ỷ lại giữa các chiến sĩ trong cùng một đại đội. Mặt khác, người chính trị viên đại đội cần phải trao dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, luôn tu dưỡng rèn luyện mình có lối sông trong sạch lành mạnh, có lòng vị tha, nhân ái để luôn là tấm gương cho chiến sĩ noi theo.
Thứ hai, người chính trị viên phải có khả năng đa dạng hóa các hình thức, phương pháp trong nắm bắt tình hình tư tưởng, có cách nhìn khách quan đánh giá tình hình tư tưởng của bộ đội chính xác, đúng hướng, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ trong tình hình mới: Trong cùng một môi trường sống, mỗi chiến sĩ thường có nhận thức và suy nghĩ hành động khác nhau, tư tưởng có thể  bộc lộ ra ngoài thông qua hành động, cử chỉ, lời nói, tuy nhiên cũng có người không bộc lộ ra ngoài mà ngấm ngầm tiềm ẩn bên trong, thậm chí sự bộc lộ ra bên ngoài lại hoàn toàn trái ngược với tư tưởng bên trong người đó. Vì vậy, rất khó nắm bắt hoặc nắm bắt không chính xác tất cả tư tưởng của chiến sĩ trong cùng một lúc mà người chính trị viên cần phải thông qua nhiều đối tượng, nhiều hình thức, phương pháp như: Tiếp cận đội ngũ cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đồng đội, bạn thân, gia đình và địa phương của chiến sĩ. Kết hợp với quan sát trạng thái hành động việc làm hằng ngày, chất lượng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của người quân nhân để đánh giá. Nếu chiến sĩ nào có tư tưởng tốt thường có trạng thái tinh thần ổn định, tính tình vui vẻ hòa nhã, nhiệm vụ nào giao cũng được hoàn thành. Tuy nhiên, cũng có những chiến sĩ có cách bộc lộ thái độ như khi nhận nhiệm vụ được giao trong điều kiện thuận lợi và có mặt cán bộ ở đó thì hăng say, tích cực, nhưng khi nhận nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, gian khổ thì lại có tư tưởng ngai khó, ngại khổ, ỷ lại. Do đó, người chính trị viên khi xem xét đánh giá một sự việc cần phải có cách nhìn khách quan, toàn diện thì mới đánh giá đúng người, đúng việc, tránh nôn nóng, chủ quan, vội vàng dẫn đến có những kết luận không chính xác, gây mất niềm tin và sự kính trọng của chiến sĩ đối với người cán bộ.
Thứ ba, phải tìm hiểu và quản lý chặt chẽ các mối quan hệ của chiến sĩ, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa; các phong trào TDTT-VHVN, giao lưu kết nghĩa tạo môi trường lành mạnh có sức lôi cuốn bộ đội: Việc nắm bắt tư tưởng của chiến sĩ mới muốn đạt được hiệu quả cao ngoài một số biện pháp đã nêu trên, đòi hỏi chính trị viên phải nắm bắt qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: Nghiên cứu hồ sơ, nắm thông tin từ cán bộ đi thâm nhập tuyển quân, phiếu tự thuật; nắm chắc các mối quan hệ và tình tình, cách sinh hoạt thông qua những người mà họ thường xuyên liên lạc, giao tiếp, trao đổi… Thực tế trong quản lý bộ đội ở đơn vị cho thấy, càng quản lý chặt chẽ các mối quan hệ của chiến sĩ thì càng có điều kiện thuận lợi để nắm bắt và quản lý tư tưởng bộ đội, bởi vì khi phát hiện chiến sĩ có mối quan hệ không minh bạch với các đối tượng bên ngoài hoặc chi tiêu, ăn uống, mua sắm khác thường thì phải có biện pháp theo dõi, quản lý, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng giải quyết phù hợp, không nên để hiện tượng kéo dài gây mất ổn định tình hình tư tưởng trong đơn vị. Ngoài ra, chính trị viên cùng với chỉ huy đơn vị còn tổ chức cho bộ đội tích cực tham gia đầy đủ nội dung, kế hoạch hoạt động ngoại khóa của đơn vị như: Đọc báo, tổ chức các trò chơi, kể chuyện... trong giờ giải lao ngoài thao trường; thi đấu bóng dá, cầu lông, kéo co, rèn luyện thể lực; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với các đơn vị bạn… giúp cho mọi quân nhân luôn có ý thức tự giác, yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị./.



No comments:

Post a Comment