Monday, April 22, 2019


XÂY DỰNG, NHÂN ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ
 THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Võ Bá Tý
Sư đoàn 7

Sau gần 05 năm thực hiện Chỉ thị 507/CT-QUTW ngày 28/7/2014 của Quân ủy TW, về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội; sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch số 510/KH-CT ngày 22/4/2011 của Tổng cục Chính trị về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong Quân đội 5 năm (2011-2015) và thông qua kết quả Đại hội thi đua quyết thắng cấp trên cơ sở giai đoạn (2013-2018) và hoạt động thực tiễn thấy rằng:
Trong phong trào thi đua quyết thắng ở cơ sở, công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến được cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có nhiều chuyển biến tiến bộ, đạt được những kết quả quan trọng. Tập trung xây dựng và biểu dương những người tốt, việc tốt, nhân tố mới, mô hình mới, điển hình tiên tiến, nhất là điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các tập thể, cá nhân trên mọi lĩnh vực công tác.  Những biện pháp bồi dưỡng và nhân rộng điển hình của cơ quan, đơn vị được phổ biến rộng rãi trên mạng truyền thanh, bản tin nội bộ, thông qua giao ban, hội họp...điều đó khẳng định công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp coi trọng và nó chính là nền tảng để phong trào thi đua quyết thắng ở đơn vị cơ sở phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, hiện nay công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến ở đơn vị còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, đó là:
1. Nhận thức về vị trí, vai trò của của công tác thi đua, của điển hình tiên tiến và xây dựng, nhân điển hình tiên tiến chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc ở một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên...
2. Một số đơn vị không chú trọng xây dựng, nhân điển hình tiên tiến, mà chỉ chạy theo phong trào một cách hình thức, xem nhẹ việc động viên, khuyến khích, nêu gương; buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các nhân tố tích cực, cách làm hay, sáng tạo. Xây dựng kế hoạch chưa thực sự chú trọng việc định hướng nhiệm vụ, biện pháp huy động các lực lượng tham gia
3. Chưa thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa vai trò phong trào thi đua và tác dụng của xây dựng, nhân điển hình tiên tiến. Chưa thực sự làm cho tổ chức, cá nhân hiểu “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch” và “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp” để trở thành “Rừng hoa đẹp” phải gieo trồng, nuôi dưỡng được nhiều bông hoa đẹp như lời Bác Hồ dạy
4. Chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể cho từng điển hình (toàn diện, một mặt) để tập thể, cá nhân làm căn cứ phấn đấu đạt và vượt. Có nơi còn mang nặng hình thức, còn biểu hiện “phát mà không động”, xây dựng kế hoạch nhưng không quản lý được kế hoạch, không tổ chức sơ, tổng kết...
5. Chưa phát huy hết vai trò của các thiết chế văn hóa trong tuyên truyền, cổ động; việc bình xét, biểu dương, khen thưởng còn bị động, hình thức, chưa kịp thời, thậm chí có trường hợp chưa thực sự chính xác giữa mức khen và công lao, thành tích lập được nên chưa có tác dụng khuyến khích, thúc đẩy các điển hình vươn lên, chưa tạo động lực cho tập thể, cá nhân phấn đấu kịp và vượt điển hình...
Nguyên nhân của những hạn chế trên đó là:
1. Nhận thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến ở một số cấp ủy, chỉ huy chưa thực sự đầy đủ. Chưa thấy rõ được mục đích lời Bác Hồ dạy, "Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp" để trở thành "rừng hoa đẹp" phải làm gì...? mới chỉ dừng lại ở phát hiện "bông hoa đẹp" để ngắm thôi, chưa nhân lên, chưa trồng được nhiều hoa đẹp...cũng như xây dựng điển hình tiên tiến là để nhân rộng ra, tạo được nhiều điển hình để thúc đẩy phong trào thi đua đạt hiệu quả cao
2. Phương pháp xây dựng, nhân rộng không đúng, chưa logic, một số đơn vị còn xây dựng điển hình theo kiểu "gà nòi", tập trung nhân lực, vật lực cho tập thể được xây dựng hoặc chọn cá nhân có điều kiện thuận lợi về mọi mặt để xây dựng...cách làm đó không có tác dụng để tập thể, cá nhân học tập và làm theo được.
3. Xây dựng điển hình không phải dồn tất cả vào để "tô vẽ" một tập thể, cá nhân mà phải có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng rõ ràng. Thậm chí có thể lấy một tập thể, cá nhân còn hạn chế, khiếm khuyết để bồi dưỡng, xây dựng, đột phá khắc phục hạn chế, khiếm khuyết đó...tạo động lực, sức mạnh cho tập thể, cá nhân phấn đấu trở thành điển hình...
4. Quan niệm về điển hình tiên tiến chưa rõ ràng, nhầm lẫn giữa điển hình và người có thành tích. "Điển hình tiên tiến đương nhiên phải có thành tích, nhưng có thành tích chưa hẵn đã là điển hình"
5. Công tác sơ kết, rút kinh nghiệm còn chung chung, chưa rút ra bài học kinh nghiệm, chưa được coi trọng đúng mức, nhất là làm rõ được nét riêng, đặc sắc (cách làm) để mọi người học tập làm theo, phấn đấu đạt và vượt điển hình...
Một số bài học rút ra trong xây dựng, nhân điển hình tiên tiến:
1. Bất cứ thời điểm nào, thực hiện nhiệm vụ gì cũng phải tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người hiểu thi đua nó là nhu cầu tất yếu của con người, nó chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ đến sự phát triển của tập thể, cá nhân. Nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn... càng phải thúc đẩy phong trào thi đua phát triển và công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến càng phải chú trọng để thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
2. Phải thông qua thực tiễn phong trào thi đua để phát hiện các nhân tố mới, mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo...muốn vậy phải thường xuyên bám sát phong trào thi đua, gần gũi tiếp xúc với quần chúng, với cơ sở...mới phát hiện ra những nhân tố như đã nói trên, mới có cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng
3. Xây dựng điển hình phải trên cơ sở nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, lấy việc thực hiện nhiệm vụ để làm thước đo điển hình và làm cơ sở để định hướng trong tuyên truyền, vận động
4. Cấp ủy, chỉ huy phải tăng cường định hướng nhiệm vụ cho các tổ chức và mọi người trong tham gia xây dựng điển hình, tránh “Kẻ đánh xuôi, người thổi ngược”
5. Phải thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức tham quan, học hỏi lẫn nhau giữa các tập thể trong một cơ quan, đơn vị; giữa cá nhân ở cơ quan này với đơn vị khác...
 Bằng mọi biện pháp, phương tiện làm cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu được Điển hình là “Có tính tiêu biểu nhất, bộc lộ được rõ bản chất của một nhóm hiện tượng, đối tượng: Nhân vật điển hình, sự kiện điển hình”, nó là những nét mang tính bản chất, quy luật, những tính cách quan trọng nhất, nổi bật nhất trong đời sống mỗi con người và xã hội. Còn tiên tiến là “Đạt thành tích cao, có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua...” (Theo Đại từ điển tiếng Việt). Trong đơn vị, nó là hình mẫu cụ thể trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tập thể và từng cá nhân...làm được những nội dung nói trên ắt công tác xây dựng, nhân điển hình sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phong trào thi đua quyết thắng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tập thể, cá nhân./.

No comments:

Post a Comment