Thursday, April 11, 2019

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA



Ngày 11/4/1950
 “Không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng, lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên”[1].
Đây là điều Bác căn dặn trong phần kết luận phiên họp của Hội đồng Chính phủ thảo luận về hình thế giới, tình hình quân sự, việc thực hiện chương trình 3 tháng đầu năm và ra Nghị quyết về công tác ngoại giao, giáo dục, cải tổ bộ máy tư pháp, giao thông công chính, nội vụ tổ chức ngày 11 tháng 4 năm 1950.
Thực hiện chỉ huấn của Người, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để đoàn kết, tập hợp và động viên không chỉ sức mạnh toàn dân tộc mà còn quy tụ được sự ủng hộ của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, các nước anh em và nhân dân yêu chuộng bình trên thế giới tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành được độc lập, thống nhất nước nhà. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, những kết quả bước đầu của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Quốc gia khởi nghiệp”… những năm qua là một minh chứng về sức mạnh to lớn của những chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ, đúng như Bác đã khẳng định: “Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân…”
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải thường xuyên thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tích cực làm tốt công tác dân vận, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu, tin và thực hiện góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
Thấu triệt lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp trong toàn quân phải chú trọng làm tốt việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát thấu đáo đặc điểm, tình hình của đơn vị, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng và khả năng của bộ đội để ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng độc đoán, gia trưởng, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân./.



[1] . Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2008. Trang 579

No comments:

Post a Comment