Sunday, July 31, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 01 tháng 8

“Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”[1].

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nói trong bài phát biểu tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 01 tháng 8 năm 1960, Báo Nhân dân đăng trên số 2327, ngày 02 tháng 8 năm 1960.

Đây là giai đoạn miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng được chú trọng, số lượng phụ nữ công tác trong các cơ quan chính quyền từ trung ương đến cơ sở tăng cao; đặc biệt, trong Quốc hội khóa II có tới 53 đại biểu Quốc hội là nữ. Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”, kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; từ các phong trào thi đua rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu với các phong trào thi đua “Ba đảm đang”, phong trào “Đồng khởi”… đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, xứng đáng với 8 chữ Vàng Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, phát triển hiện nay, lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn để các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, ngày càng có nhiều phụ nữ phấn đấu trở thành chính trị gia, nhà khoa học giỏi, nhà quản lý năng động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, phụ nữ Quân đội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để cùng với phụ nữ cả nước thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy năm xưa.

Saturday, July 30, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 31/7/1952

“Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc.”[1]

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31 tháng 7 năm 1952. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang giai đoạn gay go, ác liệt, đòi hỏi phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, đã được nhân dân phê bình nhưng còn có dấu diếm, chưa kiên quyết kiểm thảo và sửa chữa không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ. Ngày nay, tham nhũng, lãng phí được Đảng ta coi là giặc nội xâm, là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, cần phải kiên quyết đấu tranh để bài trừ khỏi đời sống xã hội.

          Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, qui định và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội đã trực tiếp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qui định trách nhiệm của người cán bộ chủ trì và tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm, có chất lượng qui định về kê khai tài sản với các đối tượng theo qui định; phát huy dân chủ rộng rãi thông qua sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đơn vị, thực hiện tài chính công khai ngày, tuần, tháng; tổ chức có nền nếp, chất lượng Ngày Chính trị, văn hóa tinh thần; Ngày Pháp luật ở đơn vị. Đồng thời, tích cực triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực học tập, công tác, sinh hoạt ở đơn vị tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Friday, July 29, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 30/7/1950

“Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”[1].

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, đăng trên Báo Sự thật, số 137, ngày 30 tháng 7 năm 1950. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn ác liệt, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, một số địa phương, cán bộ, đảng viên chấp hành chưa nghiêm chế độ báo cáo, xin chỉ thị hoặc có làm nhưng chất lượng thấp ảnh hưởng chung đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo” để kịp thời trấn chỉnh tình hình đó.

Lời dạy của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc về tính tổ chức, tính kỷ luật của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương; khắc phục tình trạng biệt lập, cục bộ, qua đó tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công và giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải luôn nhận thức đúng và thường xuyên rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp báo cáo, xin chỉ thị của cấp trên và các cơ quan chức năng; đặc biệt, trước những nhiệm vụ lớn, những nội dung mới liên quan đến nhiều lực lượng và có phạm vi ảnh hưởng rộng cần phải có sự phối hợp để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng, chính xác các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và báo cáo kết quả thực hiện phải trung thực, kịp thời, không che dấu khuyết điểm, hạn chế. Kiên quyết đấu tranh phê phán phương pháp, tác phong làm việc tùy tiện, chủ nghĩa kinh nghiệm; báo cáo thiếu trung thực, làm thì kém, báo cáo thì hay… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thursday, July 28, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 29/7/1964

 “Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”[1]

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29 tháng 7 năm 1964. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra rất ác liệt, đòi hỏi phải tập trung mọi mặt để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng; giữ gìn tốt kỷ luật; các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho mọi chủ trương, đường lối, chính sách được thực thi nghiêm túc, nhất quán, đạt hiệu quả cao.

Quán triệt và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác, cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp trong toàn Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm thông qua việc ban hành đồng bộ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương; quy định các điều đảng viên không được làm, về quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp… đã trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và thành công trong sự nghiệp đổi mới, như Bác hằng mong muốn “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, Quân ủy Trung ương, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo trên các mặt công tác trọng yếu; xác định rõ mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân tham gia xây dựng Đảng. Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo chủ trương hướng về cơ sở, sâu sát bộ đội, cụ thể, tỉ mỉ. Gắn xây dựng cấp uỷ trong sạch vững mạnh với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thực hiện nghiêm việc đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ hằng năm gắn với sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.

Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát, “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để chủ động phòng ngừa xẩy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, ở trong chi bộ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và xử lý các vấn đề phát sinh, không để trở thành điểm nóng, bức xúc, nổi cộm trong cơ quan, đơn vị đã thiết thực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Wednesday, July 27, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

Ngày 28/7/1954

 “Hòa bình cũng như kháng chiến, chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu. Toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta cần phải ghi nhớ mà thực hành”[1].

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Hội nghị Giơnevơ thắng lợi lớn”, viết ngày 28 tháng 7 năm 1954 được Báo Nhân dân đăng trên số 209, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 7 năm 1954. Đây là lúc nhân dân ta vui mừng, phấn khởi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Điều đó là hoàn toàn xứng đáng, nhưng cảm giác đó cũng dễ dẫn đến tâm lý tự kiêu, say xưa chiến thắng mà thỏa mãn dừng lại. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã phân tích và làm sâu sắc hơn thắng lợi của nhân dân ta trong Hội nghị Giơnevơ nói riêng, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung. Người không quên nhắc nhở nhân dân và quân đội ta cần nhận rõ, thắng lợi đó rất quan trọng nhưng chỉ là bước đầu trên con đường đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng thống nhất, hành động nhất trí, ra sức đấu tranh để: Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, xây dựng dân chủ thật sự. Chúng ta đã giành thắng lợi trong kháng chiến, nhất định sẽ thành công trong hòa bình.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là phương châm hành động để cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân quán triệt và thực hiện có hiệu quả trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn quân một ý chí, tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn thấu triệt lời thề: Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, giữ vững và phát huy tốt truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.11.

Tuesday, July 26, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 

         Ngày 27/7/1950

 “Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”[1].

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh liệt sĩ” viết ngày 27 tháng 7 năm 1950. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng và có bước phát triển mạnh. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Mặc dù bận bộn bề nhiều công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian viết thư thăm hỏi anh em thương binh, gia đình các tử sĩ và Người gửi tặng 01 tháng lương của mình góp vào quỹ, thể hiện sự tri ân đối với các thương binh, liệt sĩ. Qua đó, Người cũng động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng để giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và cũng để trả thù cho các thương binh, tử sĩ đã anh dũng hi sinh, hiến dâng máu đào tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để Tổ quốc được độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của các liệt sĩ, thương binh sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.

Đảng, Nhà nước, quân và dân ta đời đời ghi nhớ, vinh danh sự hi sinh và những cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh và luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức toàn dân tích cực tham gia các phòng trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ… đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Toàn quân đã xây và trao tặng hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đăng ký phụng dưỡng suốt đời hàng nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1237 về “Tiếp tục tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Đề án 150 về “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” và các chương trình, đề án của Chính phủ, nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng nhân dân cả nước thực hiện tốt công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần tạo sự ổn định chính trị xã hội, củng cố niềm tin của nhân đối với Đảng, Nhà nước và cũng là thiết thực học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.415.

Monday, July 25, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

 


Ngày 26/7/1962

 “Mọi người công dân - già trẻ gái trai - đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà. Mọi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.”[1]

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương khi Người về thăm và làm việc tại địa phương, ngày 26 tháng 7 năm 1962. Đây là thời kỳ miền Bắc đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam chiến đấu anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.

Theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ mới - chế độ Dân chủ nhân dân, mọi công dân phải có tinh thần làm chủ đất nước, phải khắc phục tư tưởng làm thuê, làm mướn dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến và phải chống chủ nghĩa cá nhân. Phải không ngừng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình, đề cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác và thực hành tiết kiệm, thật sự là người chủ xây dựng đất nước.

Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt; sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lời dạy trên của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thực tiễn to lớn; bởi, chỉ có đề cao tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ mới có sự sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới tạo ra những giá trị mới đáp ứng cho sự phát triển bền vững và bảo đảm cho thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lời Bác dạy, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong bất luận mọi điều kiện, hoàn cảnh phải tuyệt đối trung thành và sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo quản, giữ gìn, khai thác và phát huy tốt nhất sức mạnh của vũ khí, trang bị; thực hành cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thờ ơ, ngại rèn luyện, kém phấn đấu; nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.428.

Sunday, July 24, 2022

 

QUÂN ĐOÀN THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI

 THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG                                   

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhu

                                             Ban Chính sách, Cục Chính trị

Hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” là một trong những chính sách lớn, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta; một bộ phận hữu cơ của chính sách đối với người có công với cách mạng. Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, xây dựng Quân đội vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nhận thức rõ điều đó và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân, nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết, Thông tư, Nghị định và Hướng dẫn về công tác chính sách xã hội, nhất là Chỉ thị 169-CT/QUTW ngày 29/12/2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2021 - 2025; Đảng ủy Quân đoàn đã ra Nghị quyết số 80-NQ/ĐU ngày 05/02/2021 thực hiện Chỉ thị 169 của Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, thực hiện công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong Quân đoàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1085-KH/QUTW ngày 24/11/2017 của  Thường vụ Quân ủy Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng và Đề án xác nhận, giải quyết chính sách đối với quân nhân mất tin, mất tích theo Chỉ thị 24/CT-TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị, Quyết định 1237/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhờ đó, việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với Thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhất là những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng.

Với tình cảm sâu nặng, sự tri ân đối với những người đã hy sinh, đóng góp công sức, xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát hoàn thiện được 44.087 hồ sơ liệt sĩ, 1.095 hồ sơ mất tin, mất tích trong các cuộc chiến tranh.

Từ năm 2012 đến nay, Quân đoàn đã tiếp đón thân nhân đến tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ, trả lời đơn thư của các tổ chức, cá nhân hỏi thông tin về liệt sĩ, xác minh hồ sơ thương binh cho 6.251 trường hợp. Đã giải mã được 909 ký hiệu, phiên hiệu đơn vị trong chiến đấu phục vụ công tác tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Giải quyết chế độ chính sách cho 171 đồng chí là đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Đồng thời, hàng năm Quân đoàn xây dựng kế hoạch, phối hợp với địa phương tham gia sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của Quân đoàn trên địa bàn đóng quân nhằm tri ân công lao cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, mang tính giáo dục cao.

Hàng năm, Quân đoàn và các đơn vị đã tổ chức hoạt động thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương, dâng hoa tại các đền thờ, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trên địa bàn đơn vị đóng quân, tổ chức hoạt động về nguồn tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Tàu Ô - Xóm Ruộng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước vào các dịp Lễ, Tết với số tiền hành trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong những năm qua, Thường vụ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu 7 và BCH quân sự các tỉnh (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai), Hội cựu Chiến binh của Quân đoàn, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tổ chức tìm kiếm, quy tập được 417 hài cốt liệt sĩ. Thường xuyên làm tốt việc rà soát, thu thập, xác minh, xử lý các thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ thông qua tài liệu hồ sơ gốc lưu tại đơn vị, thông qua Hội cựu chiến binh và các đơn vị bạn đã phối thuộc chiến đấu với Quân đoàn để hoàn thiện, bổ sung vào hồ sơ, danh sách liệt sĩ phục vụ cho công tác tiếp công dân đến tìm thông tin liệt sĩ và trả lời đơn thư thông tin liệt sĩ.

Bên cạnh đó, trong những năm qua Quân đoàn đã phối hợp với các địa phương phụng dưỡng 19 mẹ Việt Nam anh hùng (đến nay còn 03 mẹ), 12 Anh hùng lực lượng vũ trang khu vực Miền Nam, 79 thương binh, 21 con liệt sĩ; hàng năm Quân đoàn và các cơ quan, đơn vị trích quĩĐền ơn đáp nghĩa” tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết, tặng sổ tiết kiệm, xây dựng Nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách trong Quân đoàn và địa bàn đơn vị chiến đấu, đóng quân, thăm hỏi, tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Long Đất, Bà Rịa Vũng Tàu và 21 thương binh nặng của Quân đoàn đang điều trị tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng trên toàn quốc. Từ năm 2012 – 2022, Quân đoàn đã tiến hành xây dựng và bàn giao 47 nhà tình nghĩa cho SQ, QNCN, CNVCQP có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa có điều kiện về nhà ở với tổng số tiền hơn hai tỉ đồng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thủ trưởng Cục Chính trị, Quân đoàn 4 thăm, tặng quà cho các thương binh

tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019.

 

Với những việc làm thiết thực, cụ thể, công tác Chính sách Quân đoàn đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; qua đó khẳng định sự tiếp nối và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, của Quân đội ta; tiếp tục động viên các lực lượng tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở từng địa phương và cả nước; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội nói chung và Quân đoàn 4 nói riêng./.

 

 

 

 

LỮ ĐOÀN 550 PHỐI HỢP VỚI CÁC TRUNG TÂM

TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH “HỌC KỲ TRONG QUÂN ĐỘI”

Trung tá Đào Thanh Long

Phó chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn 550

          Căn cứ vào Tờ trình số 09A/TTr-CCT ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Cục Chính trị Quân đoàn; Công văn số 65-KHQĐ/QTV ngày 06 tháng 5 năm 2022 về việc xin phép tổ chức chương trình Học kỳ trong Quân đội đã được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn phê duyệt, Lữ đoàn 550 đã phối hợp với trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, Tập đoàn giáo dục Quốc tế Việt tổ chức chương trình “Học kỳ Quân đội”.

Để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức tốt chương trình "Học kỳ Quân đội" tại Lữ đoàn; Đảng ủy – Chỉ huy Lữ đoàn xác định việc phối hợp với trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, Tập đoàn giáo dục Quốc tế Việt tổ chức chương trình “Học kỳ quân đội” là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường gắn kết giữa Lữ đoàn và các đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao nhn thức cho các cháu về tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội, tính tập thể, sự chia sẻ, học hỏi giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là sau thời gian bị hạn chế đi lại tiếp xúc do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của các cháu. Từ đó, phân công rõ trách nhiệm cho chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan và các đảng ủy viên phụ trách, chịu trách nhiệm trước Đảng ủy về kết quả thực hiện.

Lữ đoàn đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức chương trình “Học kỳ trong Quân đội”; kế hoạch đã nêu rõ mục đích, yêu cầu đạt được và phân công  trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị theo chức năng và cá nhân phụ trách cụ thể trong việc phối hợp với các trung tâm trong suốt quá trình tổ chức thực hiện.

Đơn vị đã tổ chức hội nghị với các trung tâm để thống nhất nội dung phối hợp, trong quá trình quản lý, huấn luyện các cháu trong suốt các đợt huấn luyện. nhằm bảo đảm tốt nhất các nội dung phối hợp, tạo điều kiện để các trung tâm và đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lữ đoàn đã thành lập khung huấn luyện, lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm, kỹ năng trong huấn luyện, phối hợp hoạt động để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, viết giáo án, tổ chức thục luyện và tập đội mẫu.

Công tác tuyên truyền giáo dục được nghiên cứu, biên soạn, tổ chức tuyên truyền phù hợp với khả năng nhận thức của các cháu; chủ yếu tập trung tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ Lữ đoàn, panô, bảng ảnh, cổ động thao trường, tham quan nhà truyền thống.

Công tác bảo đảm hậu cần Lữ đoàn xác định là nội dung quan trọng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nội dung phối hợp nhất là đối với các cháu tham gia chương trình ở độ tuổi nhỏ (từ 7 - 15 tuổi), số lượng đông, có khóa lên đến gần 200 cháu. Chấp hành mệnh lệnh của trên, nghị quyết của Đảng ủy, sự chỉ đạo của chỉ huy các cấp với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ được phân công, công tác bảo đảm chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt được bảo đảm tốt, khẩu vị thực đơn đã phù hợp với các cháu. Hệ thống doanh trại, dây, giá, biển bảng, bồn hoa cây cảnh được cắt tỉa tỉ mỉ tạo khuôn viên sáng, xanh, sạch đẹp. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, phun trùng, khử khuẩn được tiến hành thường xuyên.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát và kịp thời. Theo kế hoạch Lữ đoàn phối hợp với các trung tâm tổ chức 7 đợt huấn luyện “Học kỳ trong Quân đội” với gần 1000 cháu. Đến thời điểm này đơn vị đã tổ chức huấn luyện được 02 đợt cho hơn 300 cháu bảo đảm an toàn tuyệt đối, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp cho các cháu khi kết thúc chương trình, qua những lá thư viết vội dù nét chữ không đẹp nhưng là tình cảm, sự yêu thương, những cảm nhận ban đầu tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, đây thực sự là động lực để mỗi cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn nói chung và đội ngũ khung cán bộ nói riêng tiếp tục phấn đấu xây đắp cống hiến để hình ảnh đó luôn trọn vẹn trong tâm trí các em, là hành trang là lớp kế tiếp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Là cơ sở để Lữ đoàn phối hợp với trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, Tập đoàn giáo dục Quốc tế Việt tổ chức các đợt tiếp theo đạt mục đích, yêu cầu đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Thủ trưởng Cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao./.

 

BỘ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN GẶP MẶT, TUYÊN DƯƠNG

NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM NĂM 2022

Thượng tá Trần Huy Hải

                                                                             Trưởng ban CTQC, Cục Chính trị

Ngày 27/6/2022 Bộ Tư lệnh tổ chức Buổi gặp mặt, tuyên dương nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6 và tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Nhằm ghi nhận và cổ vũ, động viên những thành tích phấn đấu của các gia đình quân nhân; các cháu sinh viên, học sinh xuất sắc, giỏi; các cháu có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập và cuộc sống, các cháu mồ côi là con của cán bộ, sĩ quan, QNCN, CNVCQP trong toàn Quân đoàn.

Ngày gia đình Việt Nam, là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm gia đình, cùng nhau vượt qua sóng gió để xây dựng gia đình hạnh phúc.

 Thực hiện tốt chủ trương lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, BQP trong những năm qua Đảng ủy, BTL Quân đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan đơn vị đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết và ra các quyết định thành lập Ủy Ban dân số, gia đình và trẻ em, để kịp thời chỉ đạo công tác xây dựng gia đình quân nhân trong đơn vị; chung tay đóng góp cùng với toàn xã hội về công tác gia đình và trẻ em.

Tại buổi gặp mặt, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã tuyên dương 34 gia đình tiêu biểu, 35 cháu sinh viên, học sinh xuất sắc, giỏi, đại diện cho hàng ngàn gia đình quân nhân và hàng chục ngàn các cháu sinh viên, học sinh xuất sắc, giỏi trong toàn Quân đoàn; tặng quà 10 cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống và 17 cháu mồ côi.

Thay mặt Thường vụ Đảng ủy, BTL Quân đoàn, Đại tá Nguyễn Văn Dũng, UVTVĐU, Phó chính ủy Quân đoàn đã phát biểu ghi nhận, căn dặn và yêu cầu, mỗi cán bộ, sĩ quan, QNCN, CNVCQP trong Quân đoàn, quan tâm nuôi dưỡng con ngoan trò giỏi, thực hiện tốt Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; chúc mừng các gia đình tiêu biểu tiếp tục phát huy những những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; biểu dương các cháu sinh viên, học sinh đạt thành tích cao trong học tập; các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống tiếp tục giành các danh hiệu cao hơn trong học tập; mong muốn toàn thể các gia đình quân nhân trong Quân đoàn luôn luôn “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trách nhiệm của Quân đội, Quân đoàn và các tổ chức chính trị xã hội giao cho; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

 

 

LỮ ĐOÀN T.TG 22 HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ HỘI THI KỸ THUẬT TĂNG THIẾT GIÁP CẤP CƠ SỞ NĂM 2022

 

Trung tá Trần Thanh Cường

Phó CNKT, Lữ đoàn 22

Sáng ngày 14/6/2022, Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 4 khai mạc Hội thi Kỹ thuật T.TG cấp cơ sở năm 2022 tại Lữ đoàn T.TG 22. Dự và chỉ đạo Hội thi có đồng chí Đại tá Đỗ Văn Lực, phó Tư lệnh Quân đoàn; đồng chí Đại tá Trần Cửu Long, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân đoàn, Trưởng ban chỉ đạo Hội thi.

Năm 2022, Lữ đoàn T.TG 22 được Đảng ủy, BTL Quân đoàn giao nhiệm vụ tham gia Hội thi Kỹ thuật T.TG toàn quân. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022. Để làm tốt công tác chuẩn bị tham gia Hội thi, ngay sau khi có kế hoạch, hướng dẫn của Quân đoàn; Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, cấp ủy các cấp đều có Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ tham gia Hội thi; Lữ đoàn đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, chính xác với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, sát với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ đơn vị; nghiên cứu, bám sát Quy chế, Hướng dẫn, Kế hoạch của Ban tổ chức Hội thi; Kế hoạch, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Hội thi Quân đoàn, tiến hành thành lập Ban chỉ đạo Hội thi Lữ đoàn; xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng lực lượng tham gia dự thi, tổ chức phát động đợt thi đua đột kích trong tham gia Hội thi “Kỹ thuật Tăng Thiết giáp” toàn quân năm 2022.

Tổ chức làm công tác chuẩn bị và luyện tập song song các môn thi. Ở từng môn thi, tiến hành làm từng nội dung, làm đến đâu chắc đến đó, bám sát vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế của Lữ đoàn và sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, với phương châm: “Lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu”.

Hội thi Kỹ thuật TTG toàn quân năm 2022 nội dung bao gồm 4 môn thi: Xe TTG tốt, khai thác xe TTG giỏi; hoạt động ngày kỹ thuật, khu kỹ thuật; đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thi nhận thức.

Với đặc thù VKTBKT phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, hệ số kỹ thuật một số chủng loại tương đối thấp, nên công tác bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT gặp nhiều khó khăn; hệ thống cơ sở kỹ thuật hầu hết là các công trình cấp 4 đã xây dựng, sử dụng nhiều năm trong khi nguồn ngân sách đầu tư cho nâng cấp, sửa chữa còn hạn chế. Vì vậy, bước đầu trong công tác chuẩn bị cho Hội thi đơn vị gặp những khó khăn nhất định. Đồng thời, với nguồn kinh phí bảo đảm cho Hội thi hạn hẹp, nhưng Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bằng nhiều biện pháp chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tổ chức chặt chẽ, quá trình chuẩn bị Hội thi kết quả đạt được đó là:

Đối với nội dung thi xe tốt, Lữ đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng kíp xe và 07 xe TTG trong đó 03 xe tăng T54b, 03 Xe thiết giáp M113 và 01 xe thiết giáp bánh lốp ĐM2, số xe TTG tham gia dự thi là những xe thuộc nhóm xe huấn luyện SSCĐ và xe niêm cất đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn, quy chế hướng dẫn của Hội thi. Đơn vị đã tiến hành tổ chức thực hiện các nội dung như tháo, mở các hệ thống, cụm máy trên xe; làm sạch, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục hỏng hóc các hệ thống phần xe, phần vũ khí, phần thông tin và khí tài quang học; tổ chức bảo dưỡng kỹ thuật cấp 2 cho toàn bộ 07 xe TTG tham gia dự thi, tiến hành sơn mới các cụm máy, hệ thống, thân xe; Lắp đặt các cụm máy, hệ thống; Kiểm tra, điều chỉnh các cụm máy, hệ thống ở trạng thái tĩnh, nổ máy tại chỗ và cơ động đường dài; tiến hành bảo quản 13 xe tăng T54b niêm cất dài hạn, tổ chức huấn luyện thực hành quy trình niêm, mở niêm cất, kiểm tra tình trạng đồng bộ, tình trạng kỹ thuật xe niêm cất dài hạn cho thành viên kíp xe thi; củng cố hoàn thiện hệ thống sổ sách, mẫu biểu giấy tờ theo xe.

Đối với thi khai thác xe Tăng, Thiết giáp (TTG) giỏi về nội dung bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) T.TG, đơn vị đã tiến hành xây dựng quy trình công nghệ các nội dung thi và tổ chức cho kíp xe thực hành, luyện tập nội dung thi như quy trình xúc rửa các loại bầu lọc; quy trình kiểm tra, điều chỉnh các hệ thống, cụm máy; quy trình kiểm tra, bổ sung, thay thế dầu, mỡ của các hệ thống, cụm máy. Về nội dung thực hành kiểm tra xe TTG khi ra, vào khu kỹ thuật (KKT) đã tiến hành xây dựng nội dung ôn luyện cho tổ thợ kiểm tra (TTKT), kíp xe và trực ban khu kỹ thuật, tổ chức luyện tập thực hành phân đoạn, tổng hợp nội dung kiểm tra xe TTG khi ra, vào KKT.

Kết quả Hội thi cấp cơ sở môn thi xe T.TG tốt, khai thác xe TTG giỏi đơn vị đạt 106/115 điểm chuẩn, xếp loại giỏi.

Đối với thi hoạt động ngày kỹ thuật, Lữ đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức luyện tập nội dung quán triệt, tổ chức thực hiện ngày kỹ thuật của đơn vị vào các ngày thứ 6 hàng tuần, trình tự nội dung tổ chức ngày kỹ thuật thực hiện theo đúng hướng dẫn của TCKT. Xây dựng đủ hệ thống kế hoạch ngày kỹ thuật ở các cấp và được phê duyệt theo đúng quy định, sát tình hình thực tế của đơn vị. Làm tốt công tác chuẩn bị cho nội dung thi huấn luyện kỹ thuật tại phòng huấn luyện chuyên ngành. Tổ chức bồi dưỡng nội dung, phương pháp huấn luyện cho cán bộ huấn luyện, đảm bảo tốt vật chất, trang bị phục vụ nội dung huấn luyện, thực hành lên lớp huấn luyện đảm bảo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Hội thi.

Về nội dung thi Khu kỹ thuật, Lữ đoàn đã tổ chức nghiên cứu quy chế, hướng dẫn, tiến hành rà soát, đánh giá lại đúng thực trạng 15 hạng mục Khu Kỹ thuật từ đó tổ chức làm tốt công tác chuẩn bị con người và vật chất, trang bị để tiến hành củng cố, sửa chữa nâng cấp các hạng mục KKT theo đúng hướng dẫn của Hội thi với phương châm: “hiệu quả, tiết kiệm, làm đến đâu chắc đến đó”. Trong đó có một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng nặng cần nhiều sự đầu tư về công sức và vật chất như nhà xe huấn luyện, trạm nạp điện, hệ thống cấp thoát nước KKT, Lữ đoàn đã tổ chức di chuyển, sắp xếp lại hệ thống cảnh quan KKT, cắt tỉa, củng cố, trồng mới bồn hoa cây kiểng KKT; làm sạch, củng cố, sửa chữa, sơn mới hệ thống cổng KKT, hệ thống cột nhà kho, nhà xe, tường rào bảo vệ; củng cố, làm mới hệ thống biển bảng chính quy trong KKT, hệ thống panô, cổ động, bức phù điêu.

Kết quả Hội thi cấp cơ sở môn thi hoạt động ngày kỹ thuật, Khu Kỹ thuật đơn vị đạt 84,5/90 điểm chuẩn, xếp loại giỏi.

Đối với nội dung thi đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Hội đồng khoa học quân sự Lữ đoàn đã lựa chọn được 09 giải pháp sáng kiến là những sản phẩm có chất lượng, được Hội đồng khoa học cấp Quân đoàn và Lữ đoàn công nhận và đã sử dụng có hiệu quả vào công tác BĐKT, huấn luyện tại đơn vị.

Kết quả Hội thi cấp cơ sở môn thi đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đơn vị đạt 8/10 điểm chuẩn, xếp loại giỏi.

Phần thi nhận thức: Căn cứ hướng dẫn về đối tượng thí sinh tham gia dự thi, Lữ đoàn đã tiến hành chuẩn bị quân số, đối tượng đúng quy định Hội thi; giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách; tiến hành chuẩn bị đề cương, tổ chức ôn luyện chặt chẽ, nghiêm túc; hằng tuần kiểm tra đánh giá kết quả ôn tập, để kịp thời bồi dưỡng, rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng.

Qua hội thi cấp cơ sở đánh giá nhận thức CB, CS đạt kết quả tốt, đơn vị đạt 28,5/35 điểm chuẩn, xếp loại giỏi.

Sau thời gian làm công tác chuẩn bị, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Cục Kỹ thuật Quân đoàn; sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sỹ trong toàn Lữ đoàn, mọi công tác chuẩn bị tham gia Hội thi Kỹ thuật TTG toàn quân năm 2022 của Lữ đoàn đến nay cơ bản đã hoàn thành; Kết quả qua Hội thi cấp cơ sở Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban giám khảo Hội thi kỹ thuật TTG cấp cơ sở đánh giá cao công tác chuẩn bị và tham gia các nội dung của Hội thi Kỹ thuật TTG toàn quân năm 2022 của Lữ đoàn, kết quả tổng điểm đơn vị đạt: 227/250 điểm chuẩn, xếp loại giỏi ; Qua Hội thi cấp cơ sở, Ban chỉ đạo, ban tổ chức, ban giám khảo Hội thi đồng thời cũng đã chỉ ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót để đơn vị kịp thời rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện, làm tốt công tác chuẩn bị để tham gia Hội thi Kỹ thuật TTG toàn quân năm 2022 đạt kết quả cao nhất.

Với những kết quả bước đầu đạt được trong công tác chuẩn bị tham gia Hội thi Kỹ thuật TTG toàn quân năm 2022, là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, chủ động sáng tạo, tự lực quyết thắng” quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Hội thi Kỹ thuật TTG toàn quân năm 2022.