NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA ĐỘI NGŨ CHÍNH TRỊ
VIÊN
Ở SƯ
ĐOÀN 309
Thượng tá Lê Trọng Khánh
Chính ủy Trung đoàn 250
Bản lĩnh chính trị của chính trị viên
chính là sự phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt
Nam, truyền thống kiên cường, bất khuất, anh dũng của dân tộc Việt Nam. Đó là
sự kiên định, kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu con
đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong mọi
điều kiện, hoàn cảnh, chính trị viên luôn giữ vững niềm tin, có ý chí quyết
chiến quyết thắng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; luôn
nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tỉnh táo, chủ động,
nhạy bén, có nhận thức sâu sắc về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kịp thời phát
hiện, ngăn chặn và đập tan mọi mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, đặc
biệt là mặt trận chính trị tư tưởng. Chính trị viên thật sự là hạt nhân trung
tâm đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối
sống và kỷ luật; đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng và hành động
xâm hại đến bản chất, truyền thống của Đảng, của dân tộc, của quân đội và đơn
vị.
Bản lĩnh chính trị của chính trị viên
được hình thành, phát triển thông qua việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện trong
một quá trình từ những kiến thức cơ bản, toàn diện về đường lối, nhiệm vụ của
cách mạng, của Đảng cũng như những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, vốn sống,
thực tiễn xã hội; thông qua quá trình giáo dục đào tạo cơ bản đã được tích luỹ
với việc thường xuyên đưa họ vào môi trường rèn luyện thử thách trong thực tiễn
để tiếp tục củng cố niềm tin, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với chế
độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời với quá trình đó, cần tiếp tục tăng cường bồi
dưỡng, cũng cố nâng cao năng lực, trí tuệ toàn diện. Vì nếu chỉ có niềm tin
vững chắc mà năng lực, trí tuệ yếu kém thì khó có thể đảm đương được chức trách
nhiệm vụ; ngược lại nếu có năng lực, trí tuệ nhưng niềm tin giảm sút thì trong
những hoàn cảnh khó khăn thử thách, đứng trước sự cám
dỗ của danh lợi, sự mua chuộc, lôi kéo của đồng tiền, của lối sống thực
dụng thì tư tưởng dễ bị dao động, ngả nghiêng, đạo đức, tư cách dễ bị tha hoá,
biến chất, dễ đi đến thoái thác nhiệm vụ. Do đó, nói đến bản lĩnh chính trị của
chính trị viên cần phải nhấn mạnh và chăm lo củng cố cả về niềm tin, năng lực
trí tuệ và phải được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.
Bản lĩnh chính trị của chính trị viên
luôn vận động phát triển cùng với sự vận động phát triển của cách mạng, của
quân đội, gắn với điều kiện lịch sử xã hội. Ngày nay, trước yêu cầu của sự
nghiệp đổi mới, nhiệm vụ của Đảng, của quân đội, trong bối cảnh tình hình chính
trị, xã hội thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, đan xen cả
thuận lợi và khó khăn, cả thời cơ, vận hội và thách thức khó lường, trong khi
đó, phần đông đội ngũ chính trị viên là những sĩ quan trẻ, chưa được trải
nghiệm nhiều, rèn luyện thử thách trong thực tiễn chiến tranh, cũng như trong
huấn luyện, lao động sản xuất, công tác xã hội và họ lại chính là một trong những
đối tượng nằm trong “vòng ngắm” tiến công của
địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”. Mặt khác, mặc dù họ có học vấn, đa
số được đào tạo cơ bản, có khả năng nhạy cảm và thích ứng với cái mới, nhưng do
quá trình trải nghiệm thực tiễn ít, họ không nằm ngoài sự tác động lớn từ mặt
trái của kinh tế thị trường, những tiêu cực trong xã hội, sự tấn công của kẻ
địch nên dễ dẫn đến dao động tư tưởng, mơ hồ nhận thức, suy giảm phai nhạt lý
tưởng niềm tin, ý chí quyết tâm chiến đấu.
Để góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị
của đội ngũ chính trị viên trong giai đoạn hiện nay cấp ủy, chỉ huy các cấp ở
sư đoàn 309 đã và đang triển khai thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ
bản sau:
Một là, tiếp
tục bồi dưỡng, giáo dục giúp cho đội ngũ chính trị viên nâng cao trình độ về
mọi mặt làm cơ sở tiếp tục củng cố và xây dựng niềm tin sâu sắc vào chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của tính nhân
đạo; kiên định mục tiêu lý tưởng, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định và nhạy bén trong cuộc
đấu tranh không khoan nhượng chống chiến lược “diễn biến hoà bình”, chống các
luận điệu xuyên tạc, phản động của địch, bảo vệ vững chắc trận địa chính trị tư
tưởng của Đảng, của quân đội và đơn vị trong mọi tình huống.
Hai là, tăng cường
rèn luyện năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của đội ngũ chính trị viên,
đưa họ vào các tình huống phức tạp cả về chính trị và quân sự,
làm cho họ có tinh thần và sức chịu đựng dẻo dai cả về thể lực và trí lực, có ý
chí quyết tâm cao vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nâng cao bản lĩnh chính trị
trong hoạt động thực tiễn huấn luyện, sẵn
sàng chiến đấu, chiến đấu, tham gia các quan hệ chính trị - xã hội là
yêu cầu thường xuyên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ
chính trị viên; thông qua đó mà đội ngũ chính trị viên không ngừng tu dưỡng,
rèn luyện nâng cao phẩm chất nhân cách chính trị viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
của đơn vị, của quân đội trong tình hình mới.
Ba là, thường xuyên tạo ra môi trường
chính trị thuận lợi để đội ngũ chính trị viên tự giáo dục rèn luyện, bằng việc
đáp ứng đầy đủ mọi thông tin có định hướng cả những thuận lợi và khó khăn, cả
những tích cực, tiêu cực và những mặt trái của chính trị, kinh tế, xã hội trong
nước, thế giới, trong và ngoài quân đội v.v.. Đồng thời, thường xuyên theo dõi,
giúp đỡ nâng cao trình độ mọi mặt, nắm vững tình hình diễn biến tư tưởng của
đội ngũ chính trị viên, kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết phù hợp.
Nâng cao bản
lĩnh chính trị cho đội ngũ chính trị viên vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là
yêu cầu cấp bách trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Làm tốt việc nâng cao bản
lĩnh chính trị của đội ngũ chính trị viên chính là góp phần trực tiếp củng cố
và nâng cao vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, giữ vững và phát huy truyền
thống “ Bộ đội Cụ Hồ”./.
No comments:
Post a Comment