PHÁT
HUY HIỆU QUẢ "TỔ BA NGƯỜI" ĐỂ THẤU HIỂU BỘ ĐỘI
Ở
TRUNG ĐOÀN 2
Đại
úy Nguyễn Văn Duyên
Trợ
lý Tuyên huấn, Trung đoàn 2
Những năm qua, các đơn vị trong Trung đoàn 2 đã phát huy
hiệu quả hoạt động “Tổ ba người”. Thông qua đó, các chiến sĩ cùng chỉ ra những
mặt mạnh, mặt yếu của từng người để rút kinh nghiệm, giúp nhau nâng cao chất lượng,
hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. “Tổ ba người” cũng là nơi để các chiến sĩ chia sẻ
tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình... Qua đó, giúp chỉ huy đơn vị nắm chắc,
dự báo tình hình tư tưởng, nâng cao hiệu quả quản lý kỷ luật bộ đội, nhất là đối
với chiến sĩ mới.
Những ngày đầu mới nhập ngũ vào đơn vị, chiến sĩ mới Nguyễn
Văn Giàu, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2 nét mặt có vẻ đăm chiêu. Nhận thấy
sự lo lắng của đồng đội, trong sinh hoạt “Tổ ba người”, chiến sĩ mới Lê Ngọc Đồng,
Tổ trưởng gợi mở để Giàu chia sẻ tâm tư của mình. Được sự động viên của tổ trưởng,
Nguyễn Văn Giàu bộc bạch: "Ở nhà có cha bị bệnh tâm thần, gia đình neo người,
nên mình cảm thấy lo lắng...".
Sau sinh hoạt, đồng chí tổ trưởng báo cáo
với Trung úy Nguyễn Tuấn Vũ, chính trị viên đại đội 1, tiểu đoàn 4. Biết được
hoàn cảnh cũng như tâm tư của chiến sĩ mình, chính trị viên đại đội đã gọi điện
thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời gặp gỡ, động viên để Giàu yên tâm công
tác. Được sự sẻ chia, động viên kịp thời của cấp trên và đồng đội, chiến sĩ
Nguyễn Văn Giàu giải tỏa được nỗi lo, yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Trò chuyện với
chúng tôi, Nguyễn Văn Giàu nói: “Khi biết hoàn cảnh gia đình em, chỉ huy đơn vị
cho em gọi điện video về nhà nắm tình hình, hỏi thăm tình hình sức khỏe cha, mẹ.
Được đồng đội, chỉ huy đơn vị động viên, chia sẻ, em đỡ lo lắng hơn và cảm thấy
đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình”.
Nói về hiệu quả của mô hình “Tổ ba người”, Trung úy Nguyễn Tuấn Vũ, cho biết: “Thời
gian qua, đơn vị chúng tôi luôn duy trì nền nếp hoạt động “Tổ ba người” và trở
thành một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng tôi nắm bắt, dự báo, quản lý
tư tưởng của bộ đội, đặc biệt là chiến sĩ mới. Trường hợp của đồng chí Giàu là
một trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi đã nắm bắt, giải quyết tốt tình
hình tư tưởng của bộ đội thông qua hoạt động của “Tổ ba người”.
Cùng chung quan điểm với Trung
úy Nguyễn Tuấn Vũ, Đại úy Trịnh Hoàng Cầm, Chính trị viên phó Tiểu đoàn
5, Trung đoàn 2 khẳng định: “Tổ ba người" là nơi các chiến sĩ trao đổi kết
quả học tập, công tác trong ngày; cùng nhau chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của
từng cá nhân để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện
nhiệm vụ. Ngoài ra, “Tổ ba người” là kênh thông tin quan trọng để chỉ huy đơn vị
nắm thêm điều kiện, hoàn cảnh gia đình, diễn biến tư tưởng của từng chiến sĩ.
Qua đó, chỉ huy đơn vị có biện pháp giúp các chiến sĩ yên tâm công tác, thực hiện
tốt nhiệm vụ.
Các thành viên trong “Tổ ba người” đều là chiến sĩ với
nhau nên rất dễ bộc bạch, tâm sự, trao đổi. Đặc biệt, với những chiến sĩ mới nhập
ngũ, các thành viên trong “Tổ ba người” là những người gần nhau và hiểu nhau nhất...”.
Phát huy vai trò và hiệu quả mô hình “Tổ ba người”, những
năm qua, Trung đoàn 2 luôn chăm lo xây bồi dưỡng để “Tổ ba người” hoạt động hiệu
quả. Trong đội hình “Tổ ba người”, phải chú trọng lựa chọn người tổ trưởng có
trình độ, chuyên môn cao bởi vì người tổ trưởng được xem như bánh lái của con
thuyền, không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng đội, mà còn là người tiếp
nhận thông tin từ cán bộ tiểu đội để phổ biến cho các thành viên trong tổ.
Vì thế, để lựa chọn được tổ trưởng, chỉ huy các đơn vị đã
căn cứ vào hồ sơ quân nhân, lựa chọn những đồng chí có mặt bằng về nhận thức tốt
hơn, có tuổi đời lớn hơn, có hành động chín chắn, có kinh nghiệm trong việc nắm
bắt, gần gũi với đồng đội hơn. Do vậy, đội ngũ cán bộ các cấp luôn chú trọng bồi
dưỡng phương pháp, tác phong công tác cho tổ trưởng.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng,
Phó Chính ủy Trung đoàn 2 chia sẻ: Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn luôn chú
trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của “Tổ ba người”. Bởi, đây là nơi để các chiến
sĩ, nhất là chiến sĩ mới chia sẻ tâm tư, tình cảm, những vướng mắc trong sinh
hoạt, học tập, công tác; chia sẻ kỹ năng sống, nâng cao sự hiểu biết cho chiến
sĩ về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và các quy định của đơn vị; xây dựng
tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, tích cực phấn đấu, rèn
luyện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Qua nội dung nắm được, dự báo tình hình tư tưởng bộ đội,
cán bộ các cấp sẽ có cơ sở để đề ra nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu
quả, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, xây dựng đơn vị ngày
càng vững mạnh./.
No comments:
Post a Comment