Ngày 08
tháng 10
“Phải
chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cân nhắc cán bộ miền núi”[1].
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong buổi nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông
nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi.
Bác nói ngày 08 tháng 10 năm 1961; báo Nhân dân, đăng số 2757, ngày 09 tháng 10
năm 1961.
Thực
hiện Chỉ thị số 156-CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 1959 của Trung ương Đảng về việc
tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền
núi miền Bắc nước ta, sau hai năm triển khai thực hiện quyết liệt, Cuộc vận
động đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, đánh thức tiềm năng, thế mạnh
của một vùng miền núi rộng lớn có vị trí, ý nghĩa chiến lược quan trọng của đất
nước. Tuy nhiên, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi phát triển
chưa đều, một số chính sách cụ thể thích hợp với miền núi chưa được quy định,
công tác tư tưởng trong hợp tác xã chưa được chú ý, công tác quản lý hợp tác xã
còn rất lúng túng. Nhiều nơi chi bộ, ủy ban hành chính và các đoàn thể nhân dân
chưa được vững mạnh. Có những xã chưa có chi bộ đảng. Lực lượng cán bộ
các dân tộc nói chung thiếu và yếu. Do vậy, Bác đã có những chỉ đạo rất sát
đúng, kịp thời về mọi mặt; trong đó, cần phải hết sức chú trọng đến công tác
cán bộ - cái gốc của mọi công việc.
Thực hiện huấn thị các Bác, trong suốt quá trình
xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính
sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Nghị quyết
số 24 khóa IX của Đảng về công tác dân tộc đề ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có phẩm chất chính trị,
năng lực công tác và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; có
cơ cấu, số lượng cán bộ phù hợp trong hệ thống chính trị”. Thực hiện
chính sách về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức
người dân tộc thiểu số đã thực sự được nâng cao cả về chất lượng và số lượng,
góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc
thiểu số miền núi. Đặc biệt, công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng
cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, góp phần tích cực vào
sự phát triển của các địa phương miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách phát
triển giữa miền núi với miền xuôi.
Thấu triệt lời Bác dạy, Quân đội đã chủ động làm tốt việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số từ sớm, thông qua việc mở các lớp thiếu sinh quân để đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số từ các bậc học phổ thông, đào tạo tại các trường sĩ quan, cao đẳng, trung cấp. Đã có hàng vạn lượt con em đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp cả nước được nuôi dưỡng, đào tạo trong môi trường quân đội; nhiều đồng chí trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, trở thành tướng lĩnh trong quân đội và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đúng như tâm nguyện của Bác kính yêu.
No comments:
Post a Comment