Sunday, October 16, 2022

 

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC, QUẢN LÝ, RÈN LUYỆN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, SĨ QUAN,

QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Đại úy Đặng Quang Thuấn

Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1

Trong thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã có nhiều biện pháp trong công tác giáo dục, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ và chính sách đối với đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (SQ, QNCN), nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ đơn vị mình quản lý. Hằng tháng, các đơn vị duy trì thực hiện có nền nếp việc nắm và báo cáo tình hình tư tưởng, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của cán bộ, SQ, QNCN, gắn với quan tâm chế độ, chính sách của đội ngũ SQ, QNCN. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục, quán triệt cho SQ, QNCN nắm chắc các chỉ thị, nghị quyết của các cấp, các chuyên đề giáo dục pháp luật, đồng thời tập trung giáo dục về quyền lợi và trách nhiệm của bản thân khi được phục vụ tại ngũ. Qua giáo dục, giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ được quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân và gia đình khi được phục vụ lâu dài trong quân đội. Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp và các tổ chức trong đơn vị về công tác giáo dục, động viên đội ngũ SQ, QNCN an tâm công tác. Giữ nghiêm kỷ luật đối với việc chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, nguyên tắc, chế độ quy định của Quân đội; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với kiên quyết xử lý kịp thời, đúng quy định đối với quân nhân có thái độ, hành vi vi phạm và không làm tròn chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm như: Công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ SQ, QNCN có thời điểm chưa thường xuyên, chưa sâu, chưa kỹ, chưa hết đối tượng, việc gặp gỡ, nắm tình hình và báo cáo tình hình có đơn vị duy trì chưa có nền nếp, công tác động viên, giúp đỡ chưa kịp thời.

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, SQ, QNCN trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản như sau:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng động cơ đúng đắn, ý thức trách nhiệm cao cho đội ngũ cán bộ, SQ, QNCN trong đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về Pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, các chỉ thị, quy định của đơn vị…cho đội ngũ cán bộ, SQ, QNCN, qua đó giúp họ có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về chấp hành Pháp luật, kỷ luật, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục, quán triệt, làm cho cán bộ, SQ, QNCN hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, sự cần thiết của việc tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật chính là sự tiếp nối bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội và những phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới. Từ đó, họ sẽ tự ghép mình vào tổ chức, thấy được việc tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật luôn là nhu cầu “tự thân” cần phải rèn luyện và tuân theo.

Hai là, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ SQ, QNCN, nắm và giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng phát sinh. Việc nắm bắt, giáo dục, động viên phải thường xuyên, liên tục, có phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Quá trình công tác, định kỳ cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, cán bộ đi trước truyền thụ kinh nghiệm cho lớp đi sau trong công tác quản lý, giáo dục bộ đội, giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng; chủ động rà soát bổ sung các quy chế, quy định phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị.

Ba là, đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp, sát từng đối tượng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chủ động dự báo, nắm chắc tình hình tư tưởng, tham mưu đúng, trúng những vấn đề cần giải quyết về tư tưởng dễ nảy sinh hành động vi phạm pháp luật, kỷ luật cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; đồng thời, hướng dẫn, giúp đơn vị giải quyết kịp thời. Khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm pháp luật, kỷ luật, phải nhận định, đánh giá sát tình hình cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết dứt điểm, không để diễn biến tư tưởng theo chiều hướng xấu; lấy biện pháp giáo dục, thuyết phục làm chính; đồng thời, cần có những biện pháp đồng bộ và kiên quyết, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tái diễn hoặc vi phạm nhiều lần. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải nắm chắc và quản lý toàn diện các mối quan hệ xã hội của quân nhân thuộc quyền, nhất là mối quan hệ dễ dẫn đến nảy sinh các vấn đề phức tạp, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường (mua sắm vượt khả năng thực tế, vay nặng lãi, buôn bán mạo hiểm rủi ro...) để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết dứt điểm.

Bốn là, tăng cường công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật trong đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt nghị quyết của tổ chức đảng, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy đơn vị về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ chính quy, rèn luyện kỷ luật trong đơn vị; quản lý chặt chẽ việc ra vào doanh trại, thực hiện nghiêm các quy định về giữ gìn, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật trong các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là trong diễn tập, kiểm tra có bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ, dây nổ, lựu đạn... Tập trung khắc phục và giải quyết có hiệu quả các khâu yếu, mặt yếu; hạn chế tối đa các biểu hiện vô ý thức kỷ luật, tự do, tùy tiện, lối sống buông thả của quân nhân. Khi cán bộ, SQ, QNCN vi phạm kỷ luật, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải tìm hiểu cụ thể, làm rõ nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm, xử lý theo đúng quy định của Điều lệnh Quản lý bộ đội; Thông tư 16/2020/TT-BQP, ngày 21/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng….

Năm là, thường xuyên rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Sĩ quan, QNCN ở các cấp, đề ra được các nội dung, hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, để không ngừng nâng cao kết quả thực hiện, đồng thời thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng.

Tăng cường công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đội ngũ CB, SQ, QNCN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức Đảng TSVM tiêu biểu, đơn vị VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

No comments:

Post a Comment