VAI TRÒ CỦA SƯ ĐOÀN
7
TRONG CHIẾN DỊCH CHỐT
CHẶN TÀU Ô NĂM 1972
Đại tá Nguyễn Duy Đoàn
Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 7
Bước vào những năm đầu thập
niên 70 của thế kỷ XX, tình thế chiến trường miền Nam diễn biến thay đổi theo
chiều hướng có lợi cho ta. Do đó, Bộ Chính trị ra nghị quyết: “Mở cuộc tiến
công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị Thiên, Tây
Nguyên, hình thành một cuộc tiến công toàn miền để tiêu diệt lớn quân địch và mở
rộng vùng giải phóng”. Trong đó, miền Đông Nam Bộ được xác định là hướng rất
quan trọng. Trên hướng này, ta mở chiến dịch tiến công mang tên Người anh hùng
áo vải “Nguyễn Huệ”, nhằm giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long,
Tây Ninh, làm nơi đứng chân của trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền
Nam Việt Nam, tạo bàn đạp từng bước uy hiếp, tiến đánh địch ở trung tâm Sài Gòn
từ hướng Bắc và Tây Bắc.
Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra từ
ngày 01/4/1972 đến tháng 01/1973. Địa bàn chiến dịch gồm 4 tỉnh: Bình Long, Phước
Long, Tây Ninh, Bình Dương với các trục đường chiến lược 22 và 13. Ta lấy đường
13 làm hướng tiến công chủ yếu, đường 22 là hướng tiến công thứ yếu. Chiến dịch
Nguyễn Huệ là chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô cấp quân đoàn đầu tiên ở
miền Nam, tiến công vào tuyến phòng ngự, phòng thủ cơ bản, quan trọng của địch.
Đây cũng là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Quân đội ta ở
Nam Bộ. Để tạo được thế cài xen, chia cắt nhỏ địch ra để tiêu diệt, trên hướng
chủ yếu của Chiến dịch ở đường 13: Sư đoàn 5 đánh trận then chốt mở đầu chiến dịch,
tiến công, giải phóng Lộc Ninh; Sư đoàn 9 tiến công đánh chiếm thị xã Bình
Long; Sư đoàn 7 được Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ: “Đưa lực lượng luồn
sâu đánh chiếm các mục tiêu và chốt chặn trên đường 13 (đoạn Nam và Bắc thị xã
Bình Long ngày nay). Trong Chiến dịch này, cũng là lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Miền
sử dụng cấp sư đoàn làm nhiệm vụ chốt chặn kết hợp đánh vận động, sau đó chuyển
sang chiến đấu phòng ngự khu vực đã chia cắt địch trên đường 13, tạo điều kiện
cho Chiến dịch tiến công mục tiêu then chốt, giữ vững vùng mới được giải phóng.
Vào thời gian này, quân ngụy
Sài Gòn đã rút khỏi tất cả các vị trí đóng quân, điểm chốt ở Campuchia; chúng
co về phòng thủ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Địch lấy đường 22 - Bắc Tây Ninh
làm hướng phòng ngự chủ yếu. Trên hướng đường 13, chúng bố trí lực lượng ít
hơn. Phía Bắc thị xã Bình Long có Chiến đoàn 7 thuộc Sư đoàn 5 ở Phủ Lố; Chiến
đoàn 52 của Sư đoàn 18 ở căn cứ Hồng Tâm (ngã ba đường 13 và 17); Chiến đoàn 9
(thiếu) thuộc Sư đoàn 5 và trung đoàn thiết giáp ở Chi khu Lộc Ninh. Lực lượng
bảo an dân vệ đóng tại Tiểu khu Bình Long và Chi khu An Lộc. Phía Nam thị xã
Bình Long, có 3 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn biên phòng và 5 đại đội bảo an
ở khu vực Chi khu Chơn Thành, Tống Lê Chân, Minh Hòa, Minh Thạnh.
Về địa bàn tác chiến, Quốc lộ
13 là đường giao thông huyết mạch chạy từ cửa Bắc Sài Gòn qua các tỉnh Bình
Dương, Bình Phước, kéo dài sang Campuchia, lại gần sát Chiến khu D nên địch lập
thành hệ thống phòng thủ khá mạnh. Đoạn từ Lai Khê lên thị xã Bình Long, địa
hình tương đối bằng phẳng, trong đó đoạn từ ngã ba Xóm Ruộng tới Nam Tân Khai
là khu vực có giá trị chiến thuật, chiến dịch. Bởi thế, cuối tháng 01 năm 1972,
khi giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7, “…Luồn vào đánh chặn, cắt giao thông ở hai đoạn
Bắc và Nam thị xã Bình Long…”, Tư lệnh Đoàn 301 nhấn mạnh, “Bằng bất cứ giá nào
cũng phải giữ bằng được khu vực Tàu Ô để tạo thời cơ và điều kiện cho Chiến dịch
đánh dứt điểm Chi khu Lộc Ninh và tiến công Tiểu khu Bình Long; đồng thời tạo
bàn đạp và đầu cầu vững chắc cho Chiến dịch phát triển xuống Lai Khê, Bến Cát
hoặc sang Tây Ninh. Nếu để mất nó là mất luôn bàn đạp, mất luôn thế chiến dịch”.
Về lực lượng, trang bị, Sư đoàn
7 nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ trong điều kiện đơn vị đang tổng
kết nhiệm vụ năm 1971; kiện toàn lại tổ chức, biên chế; quân số đại đội bộ binh
từ 60 đến 70 cán bộ, chiến sĩ; trang bị có 3 trung liên, một đến hai B41, 5
B40, 1 cối 60mm; tiểu đoàn có 2 đại liên, 2 cối 82mm; Trung đoàn có 3 đại đội hỏa
lực (cối 82mm, ĐKZ75mm và 12,8mm). Sư đoàn tiếp nhận các lực lượng mới, gồm Tiểu
đoàn 22 cối 120mm; Tiểu đoàn 24 súng máy 12,8mm; đại đội hỏa tiễn chống tăng
B72 và đại đội tên lửa phòng không A72; bổ sung, thành lập mới Tiểu đoàn 25
Công binh, Tiểu đoàn 27 Trinh sát, Tiểu đoàn 29 Vận tải, Tiểu đoàn 33 Quân y.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ
huy Chiến dịch, Sư đoàn 7 đã tiến hành chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ về mọi mặt.
Cùng với làm tốt công tác quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan
trọng của nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu
cho bộ đội, Sư đoàn đã cử hai đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường, xây dựng
phương án chốt chặn, đánh địch,… sau đó, tổ chức huấn luyện, luyện tập theo các
phương án đã dự kiến.
Ngày 01 tháng 4 năm 1972, cùng
lúc Sư đoàn nhận được “Lệnh hỏa tốc số 1” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch và “Thư động
viên” của Trung ương Cục. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã đoàn kết, đồng lòng, phấn
khởi tham gia lễ xuất quân đánh địch. Trên vành mũ, trên báng súng của mỗi cán
bộ, chiến sĩ đều dán khẩu hiệu “Khẩn trương, linh hoạt, mang nặng, đi gọn, đánh
thắng trận đầu, lập công liên tục”. Nhờ đó, các đơn vị của Sư đoàn đã chủ động
tạo thế, chuẩn bị, hoàn chỉnh thế trận, trận địa chốt chặn; kiên cường ngăn chặn
địch, kết hợp với vận động luồn sâu, bao vây, chia cắt, đánh địch liên tục, dài
ngày.
Khu vực phòng ngự chốt cắt của
Sư đoàn 7 trên đường 13 dài gần 20 km; đoạn từ Nam Bình Long đến Bắc Chơn Thành
khoảng hơn 10km, rộng khoảng hơn 5km. Trong đó, ta xác định trọng điểm là khu vực
Tàu Ô - xóm Ruộng dài khoảng 2km, rộng khoảng hơn 1km (thuộc ấp 4, xã Tân Khai,
huyện Hớn Quản ngày nay) để xây dựng khu vực phòng ngự chốt cắt then chốt. Đây
là nơi có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao, Sư đoàn có điều kiện
để xây dựng thế trận liên hoàn, vững chắc. Trong tiến trình của Chiến dịch, nhận
rõ yêu cầu, nhiệm vụ, Sư đoàn 7 đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân địa
phương, chiến đấu kiên cường, thực hiện “chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa
dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống”; hình thành thế bao vây, chia cắt
chiến dịch ngay từ đầu; chặn được bộ binh, bộ binh cơ giới thuộc lực lượng của
địch lên tăng viện đường bộ và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn; đồng
thời bảo đảm cho lực lượng chủ yếu của Chiến dịch tiến công, tiêu diệt địch ở
khu vực Lộc Ninh và An Lộc (Bình Long).
Trong suốt 150 ngày đêm (từ
ngày 05/4/1972 đến 28/8/1972), địch trút xuống khu vực này không biết bao nhiêu
tấn bom, đạn với nhiều thủ đoạn đánh phá thâm độc, tạo ra thế cài xen, giằng co
quyết liệt giữa ta và địch. Chúng cho rằng “Cộng sản có là sắt thép cũng phải
tan chảy thành nước, cũng phải bị nghiền nát thành tro bụi”. Tuy nhiên, cán bộ,
chiến sĩ của Sư đoàn đã nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khắc phục mọi khó
khăn, gian khổ, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không dời”, “người
còn, trận địa còn”. Chính vì vậy, Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn,
nhỏ với nhiều hình thức khác nhau: đánh phục kích, tập kích, vây ép,… tiêu diệt:
8.189 tên; bắt: 211 tên ngụy; bắn rơi và phá hủy: 119 máy bay các loại; phá hủy:
202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, 3 hệ thống siêu tần số;
thu 390 súng các loại. Song, bên cạnh những chiến công vang dội ấy, cán bộ, chiến
sĩ của Sư đoàn cũng phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, với 1.062 cán bộ, chiến
sĩ hy sinh; hơn 25 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang địa phương cũng đã
hy sinh; nhiều quần chúng nhân dân ngã xuống trong chiến dịch này. Đến cuối tháng 8 năm 1972, Sư đoàn 7 hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, được Quân ủy
Trung ương và Bộ Chỉ huy Miền trao cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến quyết thắng”
có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ hai. Cũng sau chiến dịch này, Sư đoàn 7
vinh dự là một trong những Sư đoàn được giữ cờ thi đua “Quyết chiến quyết thắng”
vĩnh viễn.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chiến thắng
Chốt chặn Tàu Ô là chiến thắng của sự phối hợp nhịp nhàng và lòng dũng cảm, mưu
trí, sáng tạo; vận dụng linh hoạt cách đánh chốt kết hợp với vận động, tập
trung lực lượng đánh vận động là chính; kết hợp phòng ngự với tiến công của Sư
đoàn 7 và quân, dân địa phương trên địa bàn tác chiến. Chiến thắng Tàu Ô là
thành quả của sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, song, Sư đoàn 7 có vai trò
rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong các trận đối đầu quyết liệt với
quân ngụy và không quân Mỹ. Chính vì vậy, Sư đoàn đã đánh thiệt hại nặng quân địch,
buộc chúng phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa đường 13;
đặc biệt là đoạn từ Chơn Thành lên thị xã An Lộc. Cuộc chiến đấu trên đường 13
của Sư đoàn 7 cũng chính là đòn đánh làm cho quân Mỹ - ngụy kinh hồn, bạt vía.
Con đường này, trước đây đã là “con đường
không vui” đối với lính Mỹ của các sư đoàn “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới”,
“Kỵ binh bay”; là con đường “máu và nước mắt” của lính Sư đoàn 5 bộ binh ngụy;
thì giờ đây, nó là “con đường khủng khiếp nhất” đối với tất cả những sư đoàn, lữ
đoàn quân ngụy Sài Gòn bị ném vào cái chiến trường này. Điều đó đúng như bài
“Thiên Anh hùng ca đường 13” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày ấy, đã viết:
“Chiến sĩ Quân giải phóng trên đường 13 đã chiến đấu liên tục, bền bỉ dài ngày
với một niềm lạc quan cách mạng. Với ý chí và quyết tâm cao, quân và dân miền
Đông Nam Bộ anh hùng đã biến con đường này thành con đường sấm sét và máu lửa của
Mỹ - ngụy, đã gieo khiếp sợ cho kẻ thù và làm kinh ngạc cả thế giới…”.
Với Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô
trên đường 13 của Sư đoàn 7 và quân, dân địa phương trên địa bàn, đã góp phần
quan trọng vào chiến thắng vang đội làm “rung chuyển miền Đông Nam Bộ” của Chiến
dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa Cuộc kháng chiến
chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới; cùng với chiến thắng của
quân và dân ta trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” tại Thủ đô Hà Nội,
buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt
Nam.
Hiện nay, Sư đoàn 7 là đơn vị
khung thường trực, làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Quân đoàn 4, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật; huấn luyện dự bị động
viên theo Chỉ lệnh của Bộ Quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước,
Tiền Giang. Tự hào và phát huy truyền "Đoàn kết - Anh hùng - Thắng quân
xâm lược", đặc biệt là tinh thần quả cảm, ý chí, quyết tâm chiến đấu ngoan
cường của cán bộ, chiến sĩ trong chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, cán bộ, chiến sĩ
Sư đoàn 7 tiếp tục nêu cao lý tưởng cách mạng, nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm
vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thường xuyên tu dưỡng,
rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng,
Tổ quốc và Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục củng cố, tôn tạo khu di tích, Đài tưởng
niệm chiến thắng Tàu Ô; tích cực tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng
quan trọng này cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn hôm nay và mai sau.
Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh "tiêu biểu", cơ
quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ. Cùng với đó, Sư đoàn tăng cường giao lưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền
địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa, nhất là nơi đơn vị
thành lập và địa bàn đã từng đóng quân và chiến đấu, như: xã Bù Gia Mập, Tân
Khai,… của huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và nhiều địa phương khác.
No comments:
Post a Comment