Tuesday, October 25, 2022

 

MỘT SỐ NỘI DUNG, BIỆN PHÁP CTĐ, CTCT TRONG QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 222/CT-BTL CỦA TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, GIÁO DỤC, QUẢN LÝ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC, KỶ LUẬT QUÂN ĐỘI, THÍCH ỨNG LINH HOẠT BẢO ĐẢM AN TOÀN TUYỆT ĐỐI TRONG 

QUÂN ĐOÀN

                                                                           Trung tá Nguyễn Thành Lai

Trợ lý Phòng Tổ chức, Cục Chính trị

 

Trong thời gian qua, tình hình chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong Quân đoàn có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng như: Vay mượn quá khả năng chi trả, tai nạn giao thông, tự tử, chấp hành chế độ quy định không nghiêm…So với 6 tháng đầu năm 2021 tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, sĩ quan trẻ, QNCN, HSQ-CS có chiều hướng tăng, tính chất lỗi phạm phức tạp; gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bản chất, truyền thống của quân đội, quân đoàn gây dư luận không tốt trong cơ quan, đơn vị.

Từ những vi phạm nêu trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, song chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cá nhân vi phạm được khái quát qua các biểu hiện cụ thể sau:

Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị, nhất là cấp cơ sở đến cấp phân đội trong công tác giáo dục, quán triệt các văn bản của trên về chấp hành pháp luật, kỷ luật chưa thường xuyên, còn có biểu hiện gia trưởng, độc đoán, quan liêu xa rời cán bộ, chiến sĩ cấp dưới thuộc quyền, chưa thực sự gương mẫu để cấp dưới noi theo; quản lý các mối quan hệ xã hội bên ngoài còn nhiều sơ hở, chưa nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, diễn biến tâm lý; chưa xử lý kịp thời khi phát hiện các biểu hiện tiêu cực; giải quyết các vụ việc còn chủ quan, nóng vội, hiệu quả thấp. Khi có vụ việc vi phạm kỷ luật xảy ra, giải quyết vụ việc còn máy móc, báo cáo không trung thực, không kịp thời, sợ ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đơn vị, thậm chí còn có biểu hiện giấu giếm khuyết điểm.

Một số cán bộ, chiến sĩ còn có biểu hiện không yên tâm công tác; thiếu ý thức tự giác, ngại tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu dẫn đến vi phạm kỷ luật; có xu hướng hình thành lối sống cá nhân ích kỷ, thực dụng, dễ bị lôi kéo, cám dỗ, kích động…

Để góp phần quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 222/CT-BTL, ngày 01/8/2022 của Tư lệnh Quân đoàn, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp CTĐ, CTCT cơ bản sau:

Một là, Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, QNCN, CNVCQP, HSQ-CS.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác giáo dục, quán triệt các văn bản của trên về chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội; trong đó tập trung quán triệt sâu, kỹ Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của BQP về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 79/CT-BQP, ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; Chỉ thị số 222/CT-BTL, ngày 01/8/2022 của Tư lệnh Quân đoàn về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, thích ứng linh hoạt bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Xác định, đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm thường xuyên của cơ quan, đơn vị; trước hết tổ chức quán triệt, sinh hoạt sâu rộng từ cấp trung đội và tương đương trở lên đến 100% cán bộ, đảng viên, QNCN, CNVCQP, HSQ-CS; thông qua nhiều hình thức như: Sinh hoạt chính trị tư tưởng, tọa đàm, trao đổi, diễn đàn, thi tìm hiểu, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh nội bộ…; nội dung đi sâu, làm rõ bản chất từng vụ việc vi phạm như: đào ngũ, vắng mặt trái phép, tự tử, tự sát, mất an toàn giao thông, vay mượn quá khả năng chi trả…trong Quân đoàn và toàn quân. Thông qua các hình thức trên để giáo dục, định hướng nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trước các vụ việc vi phạm; vị trí, ý nghĩa của việc chấp hành pháp luật Nhà nước, Kỷ luật quân đội và thực hiện Chỉ thị số 222 của TLQĐ; qua đó xây dựng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp; tự tu dưỡng rèn luyện, xây dựng ý thức trách nhiệm, động cơ phấn đấu, ý chí quyết tâm, tính tự giác trong học tập, công tác, huấn luyện, trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chế độ quy định của cơ quan, đơn vị; thực sự làm chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động và thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới.

Hai là, Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Đối với cấp ủy, tổ chức đảng: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ mang tính vững chắc về chấp hành kỷ luật, pháp luật; lấy kết quả lãnh đạo xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật và các chỉ thị, quy định của các cấp là một tiêu chí hàng đầu trong đánh giá chất lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng hằng năm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và chấp hành các quy định về pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn trong cơ quan, đơn vị. Kịp thời ngăn chặn những biểu hiện nảy sinh và xử lý kỷ luật nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Đối với cán bộ chỉ huy, quản lý: Nắm chắc tình hình mọi mặt của cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý; phát huy tốt vai trò tự quản lý và sự quản lý lẫn nhau giữa các quân nhân. Quản lý chặt chẽ các đối tượng trong cơ quan, đơn vị, không chỉ đối với chiến sĩ, mà đội ngũ cán bộ cũng phải được quản lý chặt chẽ; phải xác định được các đối tượng, các bộ phận có nhiều nguy cơ vi phạm để tập trung giáo dục, chỉ huy, quản lý chặt chẽ hơn. Quản lý toàn diện đối với cán bộ, chiến sĩ, nhất là quản lý tình hình tư tưởng, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các mối quan hệ xã hội, các trang mạng xã hội. Quản lý mọi lúc, mọi nơi, nhưng cần tập trung vào những thời điểm dễ xảy ra vi phạm. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh và đột xuất. Phát huy tốt vai trò và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp trong học tập, công tác và sinh hoạt hằng ngày.

Đối với tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân: Tăng cường giáo dục, quán triệt cho đoàn viên, hội viên thấy được sự cần thiết phải phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật và tệ nạn xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động thi đua xung kích vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quy và chấp hành kỷ luật. Phát huy dân chủ sâu rộng trong đơn vị, tạo bầu không khí dân chủ, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Tổ chức cho đoàn viên, hội viên đăng ký quyết tâm không mất an toàn khi tham gia giao thông và các tệ nạn xã hội. Lấy đó là một tiêu chí để đánh giá chất lượng đoàn viên, hội viên và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với gia đình để nắm tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của quân nhân khi về phép, đi tranh thủ, công tác…

Ba là, Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải chủ động nắm, dự báo, quản lý chặt chẽ diễn biến tình hình tư tưởng; quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải chủ động nắm, dự báo, quản lý chặt chẽ diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền; thông qua đó kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tốt những vấn đề mới nảy sinh về tư tưởng, đồng thời khắc phục triệt để tư tưởng bao che, giấu giếm khuyết điểm, bệnh thành tích.  Phát huy tốt hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 và Lực lượng 47 ở các cấp; tăng cường quản lý mạng xã hội, internet, kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; làm tốt việc định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, các đợt cao điểm dịp lễ, tết.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; qua đó kịp thời động viên, giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Bốn là, Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, một năm hoặc khi cần thiết tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội liên quan đến tệ nạn xã hội, mất an toàn trong đơn vị, vay nợ quá khả năng chi trả… Phát huy dân chủ, đề cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân. Thực hiện phương châm nói thẳng, nói đúng sự thật, không bao che, giấu giếm khuyết điểm; phòng ngừa từ bên trong, từ sớm, từ xa.

Thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, vừa bảo đảm tính răn đe, vừa có tính giáo dục, thuyết phục, động viên cán bộ, chiến sĩ tự giác chấp hành; không để kẻ xấu lợi dụng chống phá.

Năm là, quản lý chặt chẽ chính trị nội bộ, các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền; phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, tổ 3 người, chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận, tổ tư vấn tâm lý, pháp lý…để kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh, không để bị động bất ngờ trước các vụ việc vi phạm.

Chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm, xuyên suốt, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sức mạnh tổng hợp của Quân đội. Để đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn đi đến chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật không phải một sớm một chiều; đòi hỏi sự kiên trì, liên tục và có sự vào cuộc của các tổ chức, các lực lượng, của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị. Việc tăng cường công tác giáo dục, quản lý bộ đội; phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt các vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội sẽ góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đoàn và cơ quan, đơn vị, giữ vững bản chất và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phấn đấu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật, qua đó góp phần xây dựng tổ chức đảng TSVM tiêu biểu, cơ quan, đơn vị VMTD “Mẫu mực, tiêu biểu” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

No comments:

Post a Comment