Tuesday, October 25, 2022

 

LỮ ĐOÀN 550 BẢO ĐẢM TỐT CÔNG TÁC HẬU CẦN

CHO THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ

Trung tá Hoàng Xuân Bằng

     Chủ nhiệm Hậu cần, Lữ đoàn 550

 

Lữ đoàn Công binh 550 là đơn vị Binh chủng, đóng quân phân tán trên địa bàn rộng thuộc Thành phố Thuận An và huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, thường xuyên có lực lượng nhỏ lẻ công tác xa sự chỉ huy và bảo đảm của đơn vị. Những năm qua công tác hậu cần của Lữ đoàn luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường vụ Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn và cơ quan Quân đoàn. Cơ sở hạ tầng vật chất hậu cần đã được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đơn vị. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số khó khăn đó là đơn vị hoạt động phân tán, cường độ huấn luyện, lao động cao, thời gian dành cho công tác hậu cần còn hạn hẹp, có thời điểm lực lượng hậu cần mỏng (như lực lượng lái xe); Mặt khác trước tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19, giá cả thị trường đắt đỏ, nhất là mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… Do đó phần nào ảnh hưởng chi phối đến công tác bảo đảm hậu cần trong đơn vị. Để đưa công tác bảo đảm hậu cần vào nền nếp, có hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị và bảo đảm tốt sức khỏe cho bộ đội, trong năm qua trên cơ sở chỉ lệnh công tác hậu cần của Quân đoàn và tình hình thực tế của đơn vị, cơ quan hậu cần đã làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn ra nghị quyết và xây dựng kế hoạch hậu cần, xác định rõ các chỉ tiêu đạt được, giao cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, đồng thời có nhiều biện pháp tích cực để tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra. Công tác hậu cần của Lữ đoàn vẫn là đơn vị điểm, mô hình điểm để các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đoàn đến tham quan, học tập. Trong năm 2022 vẫn là một trong những đơn vị bảo đảm tốt công tác hậu cần trong toàn Quân đoàn.

Trong tổ chức bảo đảm hậu cần, Lữ đoàn tổ chức chỉ đạo ngành hậu cần và các đơn vị làm tốt công tác tạo nguồn, khai thác, quản lý chặt chẽ giá cả, chất lượng, quy cách hàng hóa, mua tại các công ty lớn, uy tín. Hàng tháng hội đồng giá Lữ đoàn tiến hành khảo sát báo giá tới các cơ quan, đơn vị, đồng thời mọi tiêu chuẩn, chế độ của bộ đội đều được công khai đến mọi cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị.

Tổ chức giết mổ, tiếp phẩm tập trung hiệu quả cao, đa dạng sản phẩm (mổ heo, chế biến giò, chả, đậu phụ, ngâm ủ giá…) bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, rẻ hơn thị trường 8-10 %, bảo đảm đy đủ nhu cầu của bộ đội không phải mua ngoài. Thực hiện cấp phát, giao nhận tay ba tại các bếp, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng sản phẩm. Tổ chức nhà ăn nhà bếp chặt chẽ, vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm đầy đủ trang bị, dụng cụ cấp dưỡng, duy trì nghiêm túc 4 lọ gia vị trên bàn ăn, các bếp chế biến nấu ăn theo thực đơn, duy trì nghiêm túc chế độ nấu mẫu, nấu đối chứng, bàn giao định lượng, sử dụng thành thạo hệ thống lò hơi, bếp điện do vậy không có hiện tượng cơm khê, cơm sống và chậm thời gian ăn. Kết quả bảo đảm nhiệt lượng đạt được bình quân: bộ binh đạt 3.412 Kcalo, công binh VS, XDCTCĐ đạt 3.816 Kcalo/người/ngày. Đã thu hoạch cụ thể:

Rau xanh: 38.851 kg, Bình quân: 14.13 kg/người/tháng (112,1% KH)

Cá tươi: 33.585 kg, Bình quân: 122.13 kg/người/9tháng (203%% KH năm)

Lãi TGSX: 258.521.000đ, Bình quân: 925.000đ/người/9tháng (205,5% KH).

Trồng dặm 2.500 cây tràm tai tượng (khu vực tường rào phía Nam của Lữ đoàn).

Bảo đảm tốt quân trang cho các đối tượng, thực hiện nghiêm túc chế độ điểm nghiệm quân trang theo quy định.

Đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch phòng bệnh, không để dịch bệnh xảy ra. Khám sức khỏe cho các đối tượng theo đúng kế hoạch, quân số khỏe đạt 99,25%.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp là khâu đột phá, chính vì vậy tất cả các khu vực doanh trại như nhà làm việc, nhà ăn, nhà ở, nhà bếp, khu vệ sinh, vườn cây, sân, đường thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ, thực hiện tốt việc thi công công trình, nghiệm thu đúng quy trình, thanh quyết toán đúng quy định. Bảo đảm đầy đủ điện, nước, doanh cụ, doanh trại cho Lữ đoàn thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, không để xảy ra hiện tượng hư hao, mất mát. Đã làm tốt công tác quản lý, sử dụng hạn mức xăng dầu đúng theo quy định, thực hiện đúng nhiệm vụ, không để xảy ra thâm lố. Thực hiện tốt quy định thực hành tiết kiệm xăng dầu. Tổ chức vận chuyển đầy đủ kịp, thời mọi nhu cầu vật chất hậu cần, các loại vật chất theo yêu cầu nhiệm vụ đơn vị, cơ động vận chuyển quân ra, nghỉ phép và thực hiện các nhiệm vụ khác như xây dựng công trình, dò gỡ bom mìn… bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bảo trì, bảo dưỡng xe máy thường xuyên bảo đảm hệ số kỹ thuật cao. Bảo đảm đầy đủ tiền lương, phụ cấp, tiền ăn, kinh phí ngân sách cho Lữ đoàn thực hiện các nhiệm vụ, duy trì nghiêm túc chế độ kiểm tra tài chính, thanh quyết toán đúng quy định, quy chế hoạt động ngành tài chính.

Từ kết quả nêu trên và thực tiễn hoạt động công tác hậu cần đơn vị. Lữ đoàn 550 rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm hậu cần như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy các cấp đối với công tác bảo đảm hậu cần. Đây là điều kiện cơ bản quyết định đến khả năng động viên, sử dụng hợp lý nhân lực, phương tiện, vật chất,…để công tác bảo đảm hậu cần đạt hiệu quả thiết thực. Để thực hiện tốt điều đó, trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương “Về công tác Hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Hai là, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm giáo dục, quán triệt sâu rộng, triển khai đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu công tác hậu cần đến mọi cán bộ, chiến sỹ. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức trong mọi cấp, mọi ngành hiểu vị trí, vai trò công tác hậu cần, khắc phục biểu hiện trông chờ ỷ lại, phát huy tính sáng tạo, tự lực tự cường khắc phục khó khăn.

Ba là, luôn tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy, chỉ huy, sau đó đề ra biện pháp cụ thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã xác định. Phát huy vai trò cơ quan hậu cần, người làm công tác hậu cần các cấp phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy, phải tham mưu đúng, trúng, kịp thời, sát tình hình thực tế đơn vị.

Bốn là, phát huy trí tuệ, sức lực của cán bộ, chiến sỹ, tiềm năng hiện có của đơn vị. Biết phát huy tối đa sự ủng hộ quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan nghiệp vụ cấp trên.

Năm là, quá trình tổ chức thực hiện làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên rút kinh nghiệm, nhất là khâu yếu, mặt yếu, tạo sự chuyển biến tích cực, không được thỏa mãn dừng lại với kết quả đã đạt được. Nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo chuyển biến tích cực trong toàn đơn vị để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trên giao.

No comments:

Post a Comment